Vào thời điểm trước Tết nguyên đán, câu chuyện
lương tháng 13 luôn là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của người lao động và doanh nghiệp. Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi lương tháng 13 có bắt buộc không? Cách tính lương tháng 13 như thế nào? Lương tháng 13 có đóng BHXH hay tính thuế TNCN không?
Lương tháng 13 là gì?
Lương tháng 13 là một khoản tiền mà người sử dụng dành cho người lao động vào dịp cuối năm (sau tháng 12 Dương lịch và chi trả trước tết Âm lịch).
Lương tháng 13 được xem là khoản thu nhập mang tính chất tiền lương/tiền thưởng. Cụ thể, tiền thưởng được quy định theo Điều 103 Luật lao động 2012 như sau:
“1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.”
Lương tháng 13 có bắt buộc không?
Hiện nay chưa có văn bản nào quy định việc doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 cho người lao động nên đây là khoản không bắt buộc.
Chủ yếu các doanh nghiệp quyết định việc có trả lương tháng 13 cho người lao động dựa trên các yếu tố sau:
- Căn cứ vào thỏa thuận lương tháng 13 trong hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong trường hợp hợp đồng lao động không quy định về lương tháng 13 thì người lao động không có cơ sở yêu cầu người sử dụng lao động phải chi trả.
- Người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả kinh doanh trong năm và kế hoạch tài chính cho năm tiếp theo của doanh nghiệp để làm căn cứ quyết định trả lương tháng 13 và các khoản thưởng khác.
- Căn cứ vào kế hoạch tiền lương của doanh nghiệp. Việc trả lương tháng 13 và các khoản thưởng góp phần cho chính sách thu hút, giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Quy chế về lương tháng 13 và các khoản thưởng của doanh nghiệp được thực hiện dựa trên việc tham khảo ý kiến từ tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Quy chế thưởng cần công bố công khai tại nơi làm việc.
Các cách tính lương tháng 13
Việc tính lương tháng 13 khá đa dạng về cách tính tùy theo mỗi doanh nghiệp. Nhìn chung sẽ tính dựa trên số tháng người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong năm.
Dịch vụ mở doanh nghiệp Song Kim gởi đến các bạn 2 cách tính lương tháng 13, đang được sử dụng phổ biến, cụ thể như sau:
Cách tính lương tháng 13 dựa trên mức lương trung bình trong năm của người lao động
Lương tháng 13 = số tháng làm việc tại doanh nghiệp/12 * Lương trung bình năm
Trong đó, Lương trung bình năm = (tổng lương của 12 tháng)/12
Cách tính theo mức lương của tháng 12 của người lao động
Lương tháng 13 = Lương tháng 12
Cách tính lương tháng 13 này khá đơn giản, căn cứ vào lương tháng 12 để trả cho người lao động. Cách tính này có lợi cho người lao động nhất.
Việc tính lương tháng thứ 13 như đã nói là không bắt buộc. Nên sẽ có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh thực tế. Có doanh nghiệp sẽ tính lương tháng 13 dựa trên
mức lương cơ bản. Có doanh nghiệp sẽ tính tháng lương thứ 13 trên tổng lương thực nhận của người lao động, bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp.
Quy định về đóng BHXH và thuế TNCN của lương tháng 13
Lương tháng 13 là 1 khoản thu nhập phát sinh thêm của người lao động vào dịp cuối năm. Vậy, khi nhận khoản lương tháng 13, người lao động có phải đóng thêm tiền BHXH hay thuế TNCN hay không? Mời bạn cùng
Song Kim tiếp tục tìm hiểu qua nội dung sau đây.
Lương tháng 13 có đóng BHXH không?
- Theo Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
→ Từ thông tin trên, tiền lương tháng 13 với bản chất là tiền thưởng nên không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Lương tháng 13 có tính thuế TNCN không?
Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả tiền thưởng, trừ 4 trường hợp:
- Tiền thưởng kèm theo danh hiệu được Nhà nước phong tặng.
- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
- Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
- Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN:
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động.
- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp (trừ 1 số khoản phụ cấp, trợ cấp được quy định tại điểm b khoản 2 điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
- Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.
- Các khoản lợi ích khác.
→ Như vậy lương tháng 13 được xem là một khoản thu nhập/tiền thưởng chịu thuế TNCN.
Lương tháng 13 vốn được xem là phần chi phí lớn của doanh nghiệp đồng thời là khoản khuyến khích, tri ân về mặt vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Qua bài viết với các thông tin về lương tháng 13, Song Kim mong rằng các bạn, nhất là các bạn đang công tác ở vị trí
kế toán tiền lương, có thể hiểu hơn về khoản lương/thưởng này và có thể áp dụng vào thực tế doanh nghiệp. Chúc các bạn thành công.