Câu hỏi về thành lập doanh nghiệp

Menu

10 Câu hỏi về thành lập doanh nghiệp

15:48:40 08-06-2023 | Lượt xem: 2039

Việc thành lập doanh nghiệp là việc rất quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức. Và đối với các cá nhân lần đầu thành lập công ty, chắc chắn sẽ có rất nhiều câu hỏi liên đến việc thành lập doanh nghiệp. Hôm nay, Song Kim sẽ gởi đến các bạn 10 câu hỏi liên quan đến đối tượng thành lập doanh nghiệp thường gặp. Hy vọng, qua bài viết này, các bạn sẽ xác định được bản thân có phải là đối tượng bị cấm hoặc được quyền thành lập doanh nghiệp hay không?

Câu hỏi số 1: Ai được thành lập doanh nghiệp?

 
10 Câu hỏi về đối tượng thành lập doanh nghiệp thường gặp

Trả lời: Căn cứ khoản 1 điều 17 Luật Doanh Nghiệp số 59/2020/QH14, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Trừ một số trường hợp bị cấm theo khoản 2 điều 17 Luật Doanh Nghiệp 2020.

Câu hỏi số 2: Ai không được thành lập doanh nghiệp?

Trả lời: Căn cứ khoản 2 điều 17 Luật Doanh Nghiệp 2020, các cá nhân và tổ chức sau đây không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, cụ thể như sau:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Câu hỏi số 3: Sĩ quan quân đội có được thành lập doanh nghiệp không?

Trả lời: Căn cứ vào điểm c, khoản 2 điều 17 Luật Doanh Nghiệp 2020, thì sĩ quan quân đội là đối tượng KHÔNG được thành lập doanh nghiệp.

Câu hỏi số 4: Giáo viên có được thành lập doanh nghiệp không?

10 Câu hỏi về đối tượng thành lập doanh nghiệp thường gặp
 

Trả lời: Đầu tiên, để trả lời câu hỏi giáo viên có được thành lập doanh nghiệp không? Bạn phải xác định giáo viên này đang giảng dạy ở trường tư thục hay công lập? Giáo viên có phải là viên chức nhà nước hay không? (nếu dạy trường công lập). Nếu giáo viên đang là viên chức giảng dạy tại các trường công lập thì KHÔNG được thành lập doanh nghiệp (căn cứ điểm b, khoản 2, điều 17 Luật Doanh Nghiệp)

Câu hỏi số 5: Đảng viên có được mở công ty không?

Trả lời: Tương tự với câu hỏi giáo viên có được thành lập doanh nghiệp không, việc xác định đảng viên có được mở công ty không? Tùy thuộc vào vị trí công tác của mà Đảng viên đang phụ trách. Nếu Đảng viên đang là cán bộ công chức hay viên chức, thì thuộc đối tượng không được mở công ty. Và ngược lại, nếu Đảng viên không thuộc đối tượng là cán bộ công chức, viên chức nhà nước thì hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp.   

Câu hỏi số 6: Ai không có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân?

10 Câu hỏi về đối tượng thành lập doanh nghiệp thường gặp
 

Trả lời: Các đối tượng không có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân là: 1. Các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2, điều 17 Luật Doanh Nghiệp 2020. 2. Chủ hộ kinh doanh cá thể. 3. Cá nhân đã thành lập hoặc góp vốn thành lập công ty hợp danh (căn cứ điều 188 Luật Doanh Nghiệp 2020)

Câu hỏi số 7: Bao nhiêu tuổi được thành lập doanh nghiệp?

Trả lời: Căn cứ điểm đ, khoản 2 điều 17 Luật Doanh Nghiệp 2020, thì người chưa thành niên KHÔNG có quyền thành lập doanh nghiệp. Và người thành niên là người đủ 18 tuổi, tính cả ngày tháng năm sinh (Căn cứ khoản 1, điều 20 Luật dân sự 2005). Như vậy, nếu bạn đủ 18 tuổi (tính cả ngày, tháng) thì được thành lập doanh nghiệp.

Câu hỏi số 8: Sinh viên có được thành lập doanh nghiệp không?

10 Câu hỏi về đối tượng thành lập doanh nghiệp thường gặp
 

Trả lời: ĐƯỢC. Căn cứ vào độ tuổi mở công ty, thì sinh viên (người đã đủ 18 tuổi) là người thành niên. Hoàn toàn có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ đối tượng thuộc điểm e, khoản 2, điều 17 Luật Doanh Nghiệp 2020)

Câu hỏi số 9: Thành lập doanh nghiệp có cần bằng cấp không?

Trả lời: KHÔNG. Theo quy định của pháp luật hiện hành, không cần bằng cấp vẫn có thể thành lập doanh nghiệp (trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh cần bằng cấp hoặc chứng chỉ hành nghề). Việc thành lập doanh nghiệp có cần bằng cấp không cũng là câu hỏi về thành lập doanh nghiệp mà chúng tôi nhận được nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Câu hỏi số 10: Học ngành gì để mở công ty?

Trả lời: Bạn có thể mở công ty bất cứ khi nào nhìn thấy cơ hội kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính vì thế, sẽ không có câu trả lời cụ thể cho việc học ngành nghề để mở công ty. Vì cơ hội kinh doanh ở tất cả các ngành nghề đều như nhau. Và luôn thay đổi theo sự vận động của thị trường.

Trên đây là 10 câu hỏi về thành lập doanh nghiệp liên quan đến đối tượng thành lập doanh nghiệp. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào khác về chủ đề này, bạn có thể liên hệ ngay dịch vụ thành lập doanh nghiệp Song Kim theo số điện thoại 0986 23 26 29  để được tư vấn và giải đáp.
Zalo
X