Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản mà các thành viên góp vốn vào công ty. Trong quá trình hoạt động, công ty có thể thay đổi vốn điều lệ để phù hợp với quy mô kinh doanh ở từng thời điểm cụ thể. Vậy,
thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty sẽ bao gồm những gì? Mời các bạn cùng Song Kim tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý của việc tăng vốn điều lệ
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14, ban hành ngày 17/06/2020, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2021
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ban hành ngày 04/01/2021, có hiệu lực thi hành ngày 04/01/2021
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT, ban hành ngày 16/03/2021, có hiệu lực thi hành ngày 01/05/2021
- Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, ban hành ngày 01/06/2016, có hiệu lực thi hành ngày 15/07/2016
Những trường hợp tăng vốn điều lệ cụ thể
Tùy thuộc vào từng loại hình công ty cụ thể, có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây (khi đã
thành lập doanh nghiệp và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh)
Công ty TNHH Một thành viên tăng vốn điều lệ, khi:
"1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ."
(Theo khoản 1, điều 87 Luật doanh nghiệp 2020)
Công ty TNHH Hai thành viên trở lên tăng vốn điều lệ, khi:
"a) Tăng vốn góp của thành viên;
b) Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới."
(Theo khoản 1, điều 68 Luật doanh nghiệp 2020)
Công ty Cổ phần tăng vốn điều lệ, khi:
"2. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
b) Chào bán cổ phần riêng lẻ;
c) Chào bán cổ phần ra công chúng."
(Theo khoản 2, điều 123 Luật doanh nghiệp 2020)
>>> Có thể bạn quan tâm: dịch vụ tăng vốn điều lệ công ty tại Tp.HCM
Hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty TNHH MTV
Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH MTV sẽ bao gồm các thành phần hồ sơ sau đây:
- Phụ lục II-1 – Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Mẫu bắt buộc). Bạn có thể tải biểu mẫu, tại đây
- Quyết định của chủ sở hữu công ty về việc tăng vốn điều lệ (Mẫu tự soạn)
- Giấy ủy quyền nếu người đại diện pháp luật không phải là người trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở KH-ĐT
>>> Có thể bạn quan tâm: Quy định về việc góp vốn điều lệ bằng tiền mặt
Hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2TV trở lên
Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty TNHH 2TV trở lên sẽ bao gồm các thành phần hồ sơ sau đây
- Phụ lục II-1 – Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Mẫu bắt buộc). Bạn có thể tải biểu mẫu, tại đây
- Phụ lục I-6 - Danh sách thành viên góp vốn công ty TNHH Hai thành viên trở lên. Bạn có thể tải mẫu, tại đây
- Biên bản họp hội đồng thành viên về việc tăng vốn điều lệ (Mẫu tự soạn)
- Quyết định của hội đồng thành viên về việc tăng vốn điều lệ (Mẫu tự soạn)
- Giấy xác nhận phần góp vốn (Nếu thành viên góp vốn này là thành viên mới)
- Giấy ủy quyền nếu người đại diện pháp luật không phải là người trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở KH-ĐT
Hồ sơ tăng vốn điều lệ công ty cổ phần
Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty Cổ phần trở lên sẽ bao gồm các thành phần hồ sơ sau đây
- Phụ lục II-1 – Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Mẫu bắt buộc). Bạn có thể tải biểu mẫu, tại đây
- Phụ lục I-7 - Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Bạn có thể tải mẫu, tại đây
- Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ (Mẫu tự soạn)
- Quyết định của đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ (Mẫu tự soạn)
- Giấy xác nhận phần góp vốn (Nếu cổ đông góp vốn này là cổ đông mới)
- Giấy ủy quyền nếu người đại diện pháp luật không phải là người trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở KH-ĐT
>>> Thủ tục liên quan: thủ tục thay đổi thành viên góp vốn công ty
Nơi nộp hồ sơ tăng vốn điều lệ của công ty
Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Thời gian giải quyết hồ sơ tăng vốn điều lệ của công ty
03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh nhận được bộ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp.
Một số lưu ý khi tiến hành thủ tục tăng vốn điều lệ của công ty
Song Kim gởi đến các bạn 2 lưu ý khi thực hiện việc tăng vốn, mời các bạn tham khảo
Lưu ý 1: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi vốn điều lệ, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ. Nếu không, sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP
Lưu ý 2: Vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến lệ phí môn bài phải nộp hàng năm, nên khi thay đổi vốn điều lệ, sẽ xảy ra 2 trường hợp như sau:
- Thay đổi vốn điều lệ nhưng không ảnh hưởng đến lệ phí môn bài phải nộp: không cần làm gì cả
- Thay đổi vốn điều lệ nhưng ảnh hưởng đến lệ phí môn bài: vào năm tài chính tiếp theo, bạn kê khai lại tờ khai thuế môn bài và nộp mức lệ phí môn bài mới tương ứng với vốn điều lệ đã thay đổi.
Trên đây là tất cả các vấn đề liên quan đến việc tăng vốn điều lệ của công ty. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào khác về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với
dịch vụ thay đổi GPKD Song Kim để được tư vấn và hỗ trợ.
Nhân Trần – Phòng pháp lý