Với việc người dân luôn muốn có 1 nơi an cư lạc nghiệp, thì ngành xây dựng là một ngành luôn luôn có nhu cầu ở mức cao trong xã hội. Việc nhận thầu thi công theo hình thức tổ đội, gia chủ lo về phần vật tư xây dựng đã dần lỗi thời. Xu hướng ngày nay, thi công nhà trọn gói với 1 công ty có đầy đủ tư cách pháp nhân, đang là xu hướng được nhiều người dân lựa chọn. Và nếu bạn đang muốn khởi sự kinh doanh ngành xây dựng, hãy đọc ngay bài viết hướng dẫn chi tiết
cách thành lập công ty xây dựng sau đây.
Cơ sở pháp lý khi thành lập công ty xây dựng
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2021
- Luật Đầu Tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2021
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14
- Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành ngày 20/08/2018
Nội dung cần chuẩn bị khi đăng ký kinh doanh công ty xây dựng
Về giấy tờ, hồ sơ cần chuẩn bị để thành lập công ty xây dựng
- Giấy chứng minh nhân dân; hoặc căn cước công dân; hoặc hộ chiếu của tất cả các thành viên góp vốn vào công ty (nếu là cá nhân)
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu là tổ chức góp vốn)
- Bản sao y, công chứng không quá 3 tháng
Về nội dung cần chuẩn bị để thành lập doanh nghiệp ngành xây dựng
Loại hình doanh nghiệp các công ty xây dựng hay đăng ký
Hiện nay, theo luật doanh nghiệp 2020, có 5 loại hình công ty được pháp luật công nhận. Nhưng thực tế, công ty ngành xây dựng hay chọn 1 trong 3 loại hình công ty sau
- Công ty TNHH Một thành viên
- Công ty TNHH Hai thành viên trở lên
- Công ty Cổ phần
Khi lựa chọn 1 trong 3 loại hình công ty được liệt kê bên trên, bạn đều phải chịu trách nhiệm hữu hạn trên số vốn điều lệ đã đăng ký. Trong quá trình cung cấp dịch vụ của mình,
Song Kim nhận thấy loại hình công ty TNHH 2 thành viên là loại hình được nhiều công ty xây dựng lựa chọn.
Cách đặt tên công ty xây dựng
Căn cứ vào khoản 1, 2 điều 41 Luật doanh nghiệp 2020, có quy định:
Điều 41. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
1. Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.”
Thì khi đặt tên doanh nghiệp xây dựng, chúng ta chỉ cần lưu ý là tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên công ty khác là được.
Cách đặt tên công ty xây dựng rất đa dạng, bạn có thể đặt tên công ty bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Và tên công ty xây dựng cần nêu bật lên được đặc tính của ngành nghề như: sự chắc chắn, cẩn trọng,…
Địa chỉ công ty xây dựng
Việc đăng ký địa chỉ kinh doanh hiện tại rất đơn giản. Bạn có thể đặt địa chỉ trụ sở chính ở bất cứ đâu như: tòa nhà văn phòng, nhà phố, các các hộ dịch vụ (Office-tell). Trụ sở công ty chỉ cấm đặt tại các căn hộ chung cư dùng để ở (theo luật nhà ở)
Vốn điều lệ công ty xây dựng
Với kinh nghiệm thành lập hàng trăm doanh nghiệp ngành xây dựng, Song Kim nhận thấy rằng, số vốn điều lệ mà các công ty xây dựng thường đăng ký rơi vào khoảng từ 3 tỷ - 10 tỷ, số vốn điều lệ đăng ký thường phù hợp với giá trị công trình mà các công ty nhận thầu.
Ngành nghề kinh doanh của công ty xây dựng
Khi đăng ký thành lập công ty xây dựng, các bạn nên đăng ký các ngành nghề sau:
4101 - Xây dựng nhà để ở
4102 - Xây dựng nhà không để ở
4212 - Xây dựng công trình đường bộ
4229 - Xây dựng công trình công ích khác
4299 - Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác
4311 - Phá dỡ
4312 - Chuẩn bị mặt bằng
4321 - Lắp đặt hệ thống điện
4322 - Lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hoà không khí.
4329 - Lắp đặt hệ thống xây dựng khác
4330 - Hoàn thiện công trình xây dựng
7410 - Hoạt động thiết kế chuyên dụng
Đây là các ngành nghề mà dịch vụ
thành lập công ty Song Kim thường đăng ký cho khách hàng sử dụng dịch vụ thành lập công ty ngành xây dựng.
Trình tự thủ tục thành lập công ty ngành xây dựng
Ngành nghề xây dựng là ngành nghề kinh doanh thông thường, cơ quan đăng ký kinh doanh không đòi hỏi bắt cứ các loại “giấy phép con” nào khác. Cho nên, khi thành lập công ty ngành xây dựng, bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ thành lập công ty sau đây:
- Đơn đăng ký kinh doanh (Phu lục PL I-2 đối với công ty TNHH MTV; Phụ lục PL I-3 đối với công ty TNHH 2 thành viên, Phụ lục PL I-4 đối với công ty cổ phần) => mẫu quy định
- Danh sách thành viên/cổ đông góp vốn (Phụ lục PL I-6 đối với công ty TNHH 2 thành viên; phụ lục PL I-7 đối với công ty Cổ phần) => mẫu quy định
- Điều lệ công ty => Doanh nghiệp tự soạn thảo
- Bản sao y, công chứng không quá 3 tháng giấy tờ chứng thực cá nhân (trường hợp cá nhân góp vốn); hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trường hợp tổ chức góp vốn)
Nơi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xây dựng
Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ
Trên đây là tất cả những vấn đề về việc thành lập công ty xây dựng,
dịch vụ thành lập doanh nghiệp giá rẻ chúc các bạn đăng ký kinh doanh thành công!
Nhân Trần – Phòng pháp lý