Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

Menu

Các khoản chi phí bị khống chế khi tính thuế TNDN 2023

15:21:09 26-07-2022 | Lượt xem: 9727

Trong quá trình hoạt động thực tế của mỗi doanh nghiệp, có rất nhiều khoản chi mà doanh nghiệp phải chi ra để duy trì hoạt động của mình. Nhưng không phải khoản chi thực tế nào do doanh nghiệp chi ra đều được tính là chi phí được trừ của doanh nghiệp. Vì theo luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật hiện hành, mỗi khoản chi đều phải đáp ứng những tiêu chí nhất định đã được quy định. Hôm nay, Song Kim sẽ gởi đến các bạn danh sách những khoản chi phí bị khống chế khi tính thuế TNDN. Hy vọng, với nội dung bài viết này, sẽ giúp các bạn xác định và ghi nhận đúng các khoản mục chi phí khi đưa vào chi phí của công ty khi tính thuế TNDN.
Các khoản chi phí bị khống chế khi tính thuế TNDN 2022
 
Đầu tiên, hãy cùng Song Kim tìm hiểu, chi phí được trừ khi tính thuế TNDN phải đáp ứng những điều kiện nào?

Chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”
Sau khi xác định được chắc chắn khoản chi mà doanh nghiệp đã chi ra được tính là chi phí được trừ. Việc tiếp theo chúng ta cần thực hiện là xem xét các khoản chi phí này có bị khống chế theo quy định của pháp luật hay không? Ở thời điểm hiện tại, có một số khoản chi phí bị khống chế đã được luật hóa, cụ thể như sau.

CÁC KHOẢN CHI PHÍ BỊ KHỐNG CHẾ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các khoản chi phí bị khống chế khi tính thuế TNDN 2022
 

Phụ cấp ăn trưa (ăn ca) cho người lao động

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, phụ cấp ăn ca (phụ cấp ăn trưa) cho người lao động là khoản phụ cấp không thể thiếu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vậy, khoản phụ cấp ăn trưa, ăn ca này sẽ có những quy định cụ thể ra sao? Mời các bạn cùng dịch vụ mở công ty Song Kim tìm hiểu qua nội dung sau:

Quy định mới nhất về tiền phụ cấp ăn ca hiện nay

Theo quy định tại Điểm g5, khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, hiện nay phụ cấp ăn ca đang được doanh nghiệp áp dụng dưới hai hình thức:
+ Thứ nhất: Doanh nghiệp tổ chức nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn (thường được áp dụng trong các công ty sản xuất)
+ Thứ hai: Phụ cấp ăn ca bằng tiền (thường được áp dụng đối với các công ty thương mại, dịch vụ)

Về phụ cấp ăn ca dưới hình thức chi tiền cho cán bộ, công nhân viên

Nếu Doanh nghiệp không tổ chức nấu ăn thì có thể chi trực tiếp bằng tiền. Mức chi phụ cấp ăn ca sẽ do giám đốc doanh nghiệp quyết định nhưng phải thoả mãn điều kiện về phụ cấp ăn ca hiện hành. Đó là khoản chi phụ cấp ăn trưa, ăn giữa ca cho người lao động, tối đa không được vượt quá 730.000 đồng/người/tháng (áp dụng từ 15/10/2016 theo khoản 4, Điều 22, mục 6, Thông tư 26/2016/TT–BLĐTBXH)
Kết luận: Mức khống chế đối với khoản phụ cấp tiền ăn ca là730.000 đồng/người/tháng.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nếu doanh nghiệp chi cho người lao động số tiền ăn ca vượt quá 730.000 đồng/người/tháng thì khoản chênh lệch đó người lao động sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).  Doanh nghiệp được đưa vào chi phí được trừ phần tiền ăn vượt mức khi tính thuế TNDN khi phần tiền ăn đó được thể hiện rõ  trong: Hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế tài chính, quy chế lương thưởng và đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015.

Về phụ cấp ăn ca dưới hình thức tổ chức nấu ăn cho cán bộ, công nhân viên

Nếu doanh nghiệp tổ chức nấu bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động thì các khoản chi phí cho việc nấu ăn này sẽ không bị khống chế. Tuy nhiên phải có đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ của các nguyên liệu mua vào. Cũng như danh sách cán bộ nhân viên được phụ cấp ăn ca đi kèm. Và phần phụ cấp ăn trưa khi doanh nghiệp tổ chức nấu ăn thì phần ăn giữa ca này phải được ghi rõ tại 1 trong các hồ sơ sau:
- Hợp đồng lao động
- Thoả ước lao động tập thể
- Quy chế tài chính

>>> Có thể bạn quan tâm: Cách chuyển tiền từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân

Đối với tiền chi trang phục, bảo hộ lao động và bảo hiểm
Các khoản chi phí bị khống chế khi tính thuế TNDN 2022
 

Phụ cấp trang phục

Hiện nay có các hình thức chi trang phục cho nhân viên như sau:
– Chi trang phục bằng tiền.
– Chi trang phục bằng hiện vật.
– Chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật.

Chi trang phục bằng tiền

Theo điểm 2.7, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
– Trường hợp nếu chi bằng tiền: Thì khoản chi phí sẽ được tính theo số thực chi nhưng không vượt quá 5.000.000đ/người/năm.
– Nếu doanh nghiệp vừa chi bằng tiền, vừa chi bằng hiện vật thì phần chi bằng tiền sẽ bị khống chế ở mức 5.000.000 đồng/người/năm.
Kết luận: nếu doanh nghiệp phụ cấp trang phục, chi bằng tiền mặt hoặc chi vừa bằng hiện vật và tiền mặt (có dính tói tiền mặt) thì khoản phụ cấp trang phục này sẽ bị khống chế ở mức 5.000.000đ/người/năm.

Chi trang phục bằng hiện vật

– Nếu chi trang phục bằng hiện vật thì sẽ không bị khống chế mức chi. Tuy nhiên phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lý, hợp lệ đối với khoản trang phục này. Và phần phụ cấp trang phục  này cũng nên được quy định tại 1 trong các hồ sơ sau: hợp đồng lao động; hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế tài chính của công ty.

Phụ cấp bảo hộ lao động

Đối với khoản chi cho bảo hộ lao động sẽ được tính vào chi phí được trừ nếu có đầy đủ hóa đơn hợp lý, hợp lệ, hợp pháp.

Phụ cấp mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên

Các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ.
Mức khống chế để được tính vào chi phí được trừ là: 3 triệu đồng/1 người/tháng.

>>> Có thể bạn quan tâm: Mức đóng BHXH năm 2023

Các khoản chi phí trực tiếp cho tính chất phúc lợi cho người lao động

Các khoản chi trực tiếp có tính chất phúc lợi cho người lao động như:
+ Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị.
+ Chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập.
+ Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động.
+ Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác………
=> Các khoản chi liên quan đến phúc lợi cho người lao động ở trên không được vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp. (Theo khoản 4, điều 3 thông tư 25/2018/TT-BTC)

Cách tính 01 tháng lương bình quân thực tế trong năm

Theo điểm 2.30, khoản 2, điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC.
– Trường hợp DN hoạt động đủ 12 tháng trong năm:
Lương bình quân = Quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia  12 tháng.
– Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng:
Lương bình quân = Quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia số tháng thực tế hoạt động trong năm.
LƯU Ý: Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định. (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Ví dụ 1: Công ty ABC hoạt động từ năm 2016. Tổng tiền lương thực tế chi trả trong năm 2018 là 4.200.000.000 đồng. Như vậy:
01 tháng lương bình quân thực tế trong năm 2018 = 4.200.000.000 đồng/12 tháng = 350.000.000 (đồng/tháng).
Ví dụ 2: Công ty ABC hoạt động từ 01/04/2018. Tổng tiền lương thực tế chi trả trong năm 2018 là 1.800.000.000 đồng. Như vậy:
01 tháng lương bình quân thực tế trong năm 2018 = 1.800.000.000 đồng/9 tháng = 200.000.000 (đồng/tháng).

Các khoản chi phí bị khống chế khi chi dịch vụ mua ngoài

Các khoản chi phí bị khống chế khi tính thuế TNDN 2022
 

Chi phí sửa chữa tài sản cố định, trích trước tài sản cố định

– Các chi phí về bằng sáng chế, tài liệu kỹ thuật, giấy phép chuyển giao công nghệ, lợi thế kinh doanh. => Được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh với thời gian phân bổ không quá 3 năm.
– Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, … không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định. => Được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.
– Tiền thuê TSCĐ phân bổ dần theo số năm mà bên đi thuê trả trước.
Ví dụ: Công ty ABC thuê tài sản cố định trong 3 năm với số tiền thuê là: 300 triệu đồng và thanh toán một lần.
Chi phí thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí hàng năm là 100 triệu đồng. Thì chi phí thuê tài sản cố định vượt trên 100 triệu đồng/năm không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Nếu có phát sinh chi phí sửa chữa tài sản cố định đi thuê, mà trong hợp đồng thuê tài sản quy định bên đi thuê có trách nhiệm sửa chữa tài sản trong thời gian thuê. Thì chi phí sửa chữa tài sản cố định đi thuê được phép hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí nhưng thời gian tối đa không quá 03 năm.
Kết luận: Các chi phí về công cụ dụng cụ, bằng sáng chế, chi phí sửa chữa….phân bổ vượt quá 3 năm. Cũng như chi phí vượt số năm bên đi thuê trả trước đối với tiền thuê TSCĐ sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

>>> Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ thay đổi đăng ký kinh doanh tại Tp.HCM

Chi phí công tác phí

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác. Các khoản này nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác. Đồng thời thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.
Các bạn tham khảo thêm mức chi phụ cấp đi công tác:
+ Công tác trong nước tại Thông tư 40/2017/TT-BTC, ngày 28 tháng 4 năm 2017. Có hiệu lực 01 tháng 7 năm 2017.
+ Công tác nước ngoài tại Thông tư 102/2012/TT-BTC, ngày 21 tháng 06 năm 2012. Có hiệu lực có hiệu lực từ ngày 10/08/2012.

Chi phí lãi vay

Theo Khoản 2.17, 2.18 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC. (Được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).
Khoản chi phí lãi vay bị khống chế được quy định như sau:
– Phần lãi vay của các đối tượng khác không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay. => Không được tính vào chi phí được trừ.
– Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ.
Phần chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
– Trường hợp doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ.
Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp. => Sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Cách xác định như sau:
Trường hợp 1: Số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu.
=> Thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
Trường hợp 2: Số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn.
+ Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay. => Thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.
+ Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay. => Thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.
Sau đây là 1 số ví dụ cho các khoản chi phí bị khống chế liên quan đến chi phí lãi vay.
Ví dụ 1: Trên giấy phép kinh doanh của Công ty ABC có đăng ký vốn điều lệ là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 10/2018 mới góp được 1 tỷ đồng. Số vốn điều lệ còn thiếu là 1 tỷ đồng.
– Hiện tại Công ty ABC đang vay số tiền là 500 triệu đồng. Trong đó: 200 triệu đồng để góp vốn điều lệ, 300 triệu để góp vốn sản xuất kinh doanh. Thì lãi suất của khoản tiền 500 triệu này không được tính vào chi phí được trừ.
– Trường hợp Công ty ABC vay 1,3 tỷ đồng để góp vốn kinh doanh với lãi suất theo đúng quy định. Thì phần lãi vay của 1,3 – 1 = 0.3 tỷ đồng sẽ được tính vào chi phí được trừ.
Ví dụ 2: Công ty ABC có số vốn điều lệ trên giấy phép kinh doanh là 5 tỷ đồng và đã góp đủ số vốn điều lệ này. Tháng 9/2018 CĐ KTHP có vay vốn của nhân viên số tiền là 500 triệu đồng để sản xuất kinh doanh với lãi suất là 15%/năm. Lãi suất do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay là 9%/năm. Ta có:
– Số tiền lãi 1 năm công ty ABC phải trả cho cán bộ nhân viên là:
500 triệu * 15% = 75.000.000 (đồng).
– Số tiền lãi tối đa công ty ABC được tính vào chi phí được trừ là:
500 triệu*9%*150% = 67.500.000 (đồng)
=> Như vậy: Số tiền lãi Công ty ABC không được tính vào chi phí hợp lý là:
75.000.000 – 67.500.000 = 7.500.000 (đồng).
* Chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết:
Căn cứ khoản 3, điều 16, Nghị định 132/2020/NĐ-CP:
- Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;
 - Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này.
   - Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;
Chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ)
Các khoản chi phí bị khống chế khi tính thuế TNDN 2022
 
Theo điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 có hiệu lực kể từ ngày 6/8/2015, sửa đổi bổ sung theo điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ngày 16/03/2018 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.
Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Một số trường hợp cụ thể như sau:
– Nếu trích khấu hao nhanh hơn khung trích khấu hao theo quy định. => Thì chi phí vượt khung đó sẽ bị loại ra khỏi chi phí được trừ của kỳ đó khi tính thuế TNDN.
– Nếu áp dụng khấu hao theo đường thẳng được khấu hao nhanh mà mức khấu hao nhanh vượt quá 2 lần mức khấu hao theo đường thẳng. => Thì phần khấu hao vượt quá 2 lần sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
Khống chế giá trị trích khấu hao TSCĐ bé hơn hoặc bằng 1,6 tỷ đồng.
Doanh nghiệp sẽ không được tính vào chi phí được trừ phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
(Ngoại trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn. Ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô).

Chi phí vượt định mức tiêu hao nguyên vật liệu

Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức. (Theo điểm 2.3, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC . Được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC)

Chi phí tiền lương, tiền công của người lao động

Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động không đúng theo quy định của pháp luật. (Theo tiết c, điểm 2.6, khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC) Thì:
Khoản tiền lương, tiền công và phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng thực tế chưa chi cho đến thời điểm hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm (30/3). => Sẽ không được tính vào chi phí được trừ.
Trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Ví dụ:
Công ty ABC có tiền lương năm 2022 là 100 tỷ đồng. Đến hết thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm 2022 (30/3/2023) công ty ABC mới thực chi 50 tỷ đồng.
+ Nếu Công ty ABC không trích lập quỹ dự phòng tiền lương.
Chi phí tiền lương được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2022 = 100 tỷ đồng.
+ Nếu Công ty ABC có thực hiện trích lập quỹ dự phòng tiền lương.
Mức trích lập dự phòng tiền lương tối đa = 17% x 50 tỷ đồng = 8,5 (tỷ đồng).
Như vậy: Chi phí tiền lương được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2022 = 100 tỷ + 8,5 tỷ = 108,5 tỷ đồng.
LƯU Ý: Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.

Chi phí quảng cáo, tiếp khách và quà tặng

Tại Điểm 2.21, khoản 2, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC Quy định:
“Điều 6:……………………
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
……………………..
2.21. Phần chi vượt quá 15% tổng số chi được trừ, bao gồm: chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí; chi cho, biếu, tặng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.
Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi khống chế quy định tại điểm này……………..”
Theo đó Các chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp khách, cho biếu tặng….. sẽ bị khống chế ở mức 15% tổng số chi được trừ.
Tuy nhiên, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC:
“Điều 14. …………….
2. Bãi bỏ điểm 2.21 Khoản 2 Điều 6, Khoản 5 Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC và các nội dung hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính và các ngành ban hành không phù hợp với quy định tại Thông tư này.”
Kết luận: Kể từ ngày 06/08/2015 sẽ bãi bỏ quy định mức khống chế 15% đối với các chi phí tiếp khách, quảng cáo, quà cho biếu tặng.
Tuy nhiên các chi phí này để được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN thì điều kiện là phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp lý, hợp lệ, hợp pháp.
Trên đây là các khoản chi phí bị khống chế năm 2023 khi tính thuế TNDN. Nếu các chi phí vượt quá mức khống chế sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN. Dịch vụ kế toán Song Kim chúc các bạn thành công trong công việc.
Zalo
X