Những trường hợp không cần quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp

Menu

Các trường hợp được miễn quyết toán thuế khi giải thể công ty

18:17:54 14-12-2019 | Lượt xem: 27320

Việc giải thể doanh nghiệp là điều không ai muốn nhưng vì rất nhiều lý do dẫn đến việc giải thể doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, việc kê khai – nộp thuế của doanh nghiệp đang tiến hành theo phương pháp: tự khai – tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Cho nên, để có thể giải thể doanh nghiệp một cách hợp pháp, các công ty bắt buộc phải trải qua việc quyết toán thuế để cơ quan thuế kiểm tra tính minh bạch, chính xác khi nộp báo cáo của doanh nghiệp, trước khi cơ quan thuế ra quyết định hoàn tất nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp được miễn quyết toán thuế khi giải thể công ty. Vậy, nhưng trường hợp nào không cần quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp, mời các bạn xem chi tiết nội dung bên dưới:
Các trường hợp được miễn quyết toán thuế khi giải thể công ty

Trường hợp 1: Khi công ty bạn thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu

Căn cứ vào điểm a, khoản 8.2, điều 16, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, do Bộ Tài Chính ban hành ngày 10 tháng 10 năm 2014, có hiệu lực thi hành ngày 15 tháng 11 năm 2014, quy định:
“a) Doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.”
Với quy định rất rõ ràng bên trên, có thể khẳng định rằng, nếu trong suốt quá trình hoạt động, công ty/doanh nghiệp tiến hành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo tỷ lệ % trên doanh thu sẽ được miễn quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp.
Lưu ý: Việc nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu khác hoàn toàn so với việc doanh nghiệp áp dụng cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp (tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp cũng tính % thuế GTGT trên doanh thu cung cấp dịch vụ/hàng hóa)

Trường hợp 2: Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động từ lúc đi vào hoạt động đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.

Căn cứ vào điểm b, khoản 8.2, điều 16, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, do Bộ Tài Chính ban hành ngày 10 tháng 10 năm 2014, có hiệu lực thi hành ngày 15 tháng 11 năm 2014, quy định:
“b) Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.”
Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn từ khi thành lập (thời điểm được cấp GPKD lần đầu tiên) đến thời điểm giải thể doanh nghiệp, nếu:
  • Chưa phát sinh doanh thu
  • Chưa tiến hành thông báo phát hành hóa đơn
Thì không phải quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp.

Vậy nếu, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có phát sinh doanh thu và đã thông báo phát hành hóa đơn, thì có trường hợp nào được miễn quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp hay không?

Hãy cùng dịch vụ thay đổi GPKD Song Kim tham khảo khoản c, khoản 8.2, điều 16, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, do Bộ Tài Chính ban hành ngày 10 tháng 10 năm 2014:
“c) Doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có doanh thu bình quân năm (tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động) không quá 1 tỷ đồng/năm .
- Kể từ năm doanh nghiệp chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm pháp luật về hành vi trốn thuế.
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cao hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ”
Như vậy, trong trường hợp công ty đã có phát hành hóa đơn, có phát sinh doanh thu, sẽ được miễn quyết toán thuế khi giải thể công ty, nếu đáp ứng đủ tất cả 3 điều kiện sau:
  • Có doanh thu bình quân năm từ 1 tỷ/đồng trở xuống
  • Chưa bị phạt về hành vi trốn thuế, gian lận thuế
  • Số tiền thuế TNDN đã nộp cao hơn số tiền thuế TNDN nếu được tính theo tỷ lệ % trên doanh thu.
Ví dụ:
Công ty Minh Quân chuyên bán buôn máy móc thiết bị, được thành lập từ năm 2016 và đến năm 2019 thì tiến hành giải thể.
  • Doanh thu năm 2016 là: 2 tỷ. Năm 2017, 2018 và 2019: không phát sinh doanh thu
  • Số thuế TNDN đã nộp vào ngân sách nhà nước là: 50tr
  • Và công ty chưa bị phạt về hành vi trốn thuế
Như vậy, theo quy định bên trên, có thể xác định được:
  • Doanh thu bình quân trong 4 năm hoạt động của công ty Minh Quân là: 500tr
  • Số thuế TNDN đã nộp là 50tr, cao hơn số thuế TNDN nếu tính theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu (2 tỷ x 1% = 20tr)
Kết luận: công ty Minh Quân thuộc diện không phải quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp
>>> Bạn đang quan tâm đến dịch vụ mở công ty tại Tiền Giang, xem ngay TẠI ĐÂY

Thời gian giải quyết hồ sơ đối với các trường hợp không cần quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp

“Đối với các trường hợp nêu tại tiết a, b, c điểm này, chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi (bao gồm quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động; các tài liệu chứng minh người nộp thuế thuộc các trường hợp nêu trên và đã nộp đủ số thuế phải nộp nếu có) thì cơ quan thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế”
(Trích khoản 8.2, điều 16, Thông tư số 151/2014/TT-BTC, do Bộ Tài Chính ban hành ngày 10 tháng 10 năm 2014)
Như vậy, thời gian để giải quyết hồ sơ giải thể của doanh nghiệp là 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận đầy đủ hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp.
Trên đây là tất cả các trường hợp được miễn quyết toán thuế khi giải thể công ty,Song Kim hy vọng sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc của các bạn khi xác định doanh nghiệp có nằm trong diện không cần quyết toán thuế khi giải thể hay không.
Trân trọng kính chào!
Zalo
X