Công văn về thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm giống cây trồng

Menu

Công văn 9720/CT-TTHT về thuế GTGT đối với sản phẩm giống cây trồng

09:35:16 21-01-2019 | Lượt xem: 26951

Ngày 13 tháng 3 năm 2017, Cục thuế Tp. Hà Nội đã ban hành công văn số 9720/CT-TTHT; để hướng dẫn Công ty cổ phần thương mại LD Hà Nội về việc áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng (GTGT) cho mặt hàng giống cây trồng và các sản phẩm cây cảnh và chăm sóc cây cảnh. Mời các bạn cùng Song Kim tham khảo toàn bộ nội dung công văn số 9720/CT-TTHT trong bài viết sau đây.
Công văn 9720/CT-TTHT về thuế GTGT đối với sản phẩm giống cây trồng

Công văn số 9720/CT-TTHT về thuế GTGT đối với sản phẩm giống cây trồng

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
----------
Số: 9720/CT-TTHT
V/v giải đáp chính sách thuế
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------
Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 2017
Kính gửi: Công ty cổ phần thương mại LD Hà Nội

Địa chỉ: 19/536 phố Minh Khai, P. Vĩnh Tuy, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội
MST: 0101623635

Trả lời công văn số 04/LDHN/2017 ngày 21/2/2017 của Công ty cổ phần thương mại LD Hà Nội (gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội.
+ Tại Điều 7 quy định quyền của doanh nghiệp
“1. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.”...

+ Tại Điều 8 quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp
“1. Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.”...
+ Tại Điều 28 quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
“1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;”...

+ Tại Điều 29 quy định nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
“1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
3. Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
4. Vốn điều lệ.”
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
+ Tại Khoản 2 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế:
“2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, cành giống, củ giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền ở các khâu nuôi trồng, nhập khẩu và kinh doanh thương mại. Sản phẩm giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là sản phẩm do các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thương mại có giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp...”.
+ Tại khoản 5 Điều 5 quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.
... Ví dụ 19: Công ty lương thực B là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thu mua gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì ở khâu thu mua của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra thì gạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Trường hợp Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty XNK C thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty XNK C.
Công ty lương thực B bán gạo cho Công ty TNHH D (là doanh nghiệp sản xuất bún, bánh phở) thì Công ty lương thực B không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với số gạo bán cho Công ty TNHH D. Trên hóa đơn GTGT lập, giao cho Công ty XNK C, Công ty TNHH D, Công ty lương thực B ghi rõ giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.
...Trường hợp sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã lập hóa đơn, kê khai, tính thuế GTGT thì người bán và người mua phải điều chỉnh hóa đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản này”.

+ Tại Khoản 5 Điều 10 quy định thuế suất 5%
“5. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này.
Sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hướng dẫn tại khoản này bao gồm cả thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mỳ”.

+ Tại Điều 11 quy định thuế suất 10%
“Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại”.
Căn cứ quy định trên:
- Trường hợp Công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng thì hoạt động bán giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Trường hợp Công ty là đơn vị nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có mua các sản phẩm như cây cảnh, cây giống, cây bóng mát, chậu cây cảnh kèm theo (hoặc mang về ươm trồng một thời gian sau xuất bán) thì:
+ Khi xuất bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
+ Xuất bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất (5%)
- Trường hợp Công ty thực hiện các dịch vụ chăm sóc cây xanh, sử dụng kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, uốn thế thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT là 10%.
Trường hợp còn vướng mắc đề nghị đơn vị liên hệ với Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng để được giải đáp.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT (để báo cáo);
- Chi cục thuế Hai Bà Trưng;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn
(Nguồn: Cục Thuế Tp. Hà Nội)

Tải công văn số 9720/CT-TTHT về thuế GTGT đối với sản phẩm giống cây trồng 

Bạn cần lưu trữ file, bấm vào nút bên dưới để tải
Công văn 9720/CT-TTHT về thuế GTGT đối với sản phẩm giống cây trồng

Trên đây là toàn bộ nội dung của công văn số 9720/CT-TTHT về thuế suất thuế Giá trị gia tăng đối với mặt hàng giống cây trồng, cây trồng và dịch vụ chăm sóc cây cảnh. Dịch vụ thay đổi đăng ký kinh doanh Song Kim hy vọng sẽ giải đáp được tất cả những thắc mắc của các bạn về thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng này.
Trân trọng kính chào!
Zalo
X