Chi phí lãi vay là gì?

Menu

Để chi phí lãi vay là hợp lý cần có những điều kiện gì

10:59:29 13-01-2019 | Lượt xem: 23787

Chi phí lãi vay là khoản chi phí thường xuyên diễn ra tại các doanh nghiệp. Lý do đi vay thì rất đa dạng như: mua sắm tài sản cố định, vay để bổ sung vốn lưu động, vay để mua hàng hóa dự trữ,…Nhưng có rất nhiều doanh nghiệp khi thanh tra thuế bị xuất toán khoản chi phí này vì cho rằng chi phí lãi vay không hợp lý. Vậy, chi phí lãi vay hợp lý cần thỏa những điều kiện nào? Hãy cùng Song Kim tìm hiểu cặn kẽ qua bài viết sau đây.

Chi phí lãi vay bị khống chế khi không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản

Đây là điểm dễ dàng xác định nhất để xác định khoản chi phí lãi vay của công ty có được xem là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không. 
Lãi suất của khoản vay sẽ được căn cứ vào điểm 2.17, khoản 2, điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC về thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành ngày 22 tháng 06 năm 2015:
  • 2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
  • 2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.”
Phần tiền chi trả lãi vay vượt quá 150% mức lãi suất cơ bàn do ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố sẽ được xem là chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế Thu nhập Doanh Nghiệp.

Chi phí lãi vay khi chưa góp đủ vốn điều lệ sẽ không được chấp nhận

chi phí lãi vay khi chưa góp đủ vốn điều lệ
Căn cứ vào điểm 2.18, khoản 2, điều 4, thông tư 96/2015/TT-BTC về thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành ngày 22 tháng 06 năm 2015:
  • 2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.
  • Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
  • Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
    • Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
    • Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:
    • Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.
    • Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.”
Như vậy, để chi phí lãi vay hợp lý, doanh nghiệp cần góp đủ vốn điều lệ trước khi đi vay để phục vụ việc sản xuất kinh doanh. Hoặc khi chưa góp đủ vốn điều lệ, thì lãi vay phát sinh từ khoản vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu (chưa góp đủ) sẽ không được chấp nhận là chi phí lãi vay hợp lệ.

Ví dụ cụ thể về chi phí lãi vay được trừ và chi phí lãi vay bị loại trừ khi chưa góp đủ vốn điều lệ

Công ty Cổ phần Minh Quân nhận Sở Kế Hoạch Đầu Tư Tp. Hồ Chí Minh cấp GPKD ngày 01/09/2017 với số vốn điều lệ là 05 tỷ. Các thành viên cam kết góp đủ vốn điều lệ ngay khi thành lập, tức ngày 01/09/2017. Nhưng trên thực tế, các thành viên chỉ góp được 3 tỷ (chiếm 60% vốn điều lệ). Và ngay từ ngày 01/09/2017, công ty đã đi vào hoạt động.
Ngày 01/10/2017, công ty có đi vay của 1 cá nhân với số tiền 2 tỷ, lãi suất 1%/tháng. Và tất toán khoản vay này vào ngày 31/01/2018 và đã thanh toán đầy đủ tiền lãi phát sinh là 60tr (2 tỷ x 1%/tháng x 4 tháng)
Trường hợp 1: Đến ngày 30/11/2017, các cổ đông công ty góp đủ vốn điều lệ còn thiếu là 2 tỷ đồng. Vậy:
⇒ Chi phí lãi vay hợp lý sẽ là: 20tr đồng. (2 tỷ x 1%/tháng x 1 tháng)
⇒ Chi phí lãi vay bị xuất toán sẽ là: 40tr đồng. (2 tỷ x 1%/tháng x 2 tháng chưa góp đủ vốn điều lệ)
Trường hợp 2: Đến ngày 30/11/2017, các cổ đông vẫn chưa góp thêm vốn điều lệ thì toàn bộ chi phí lãi vay của khoản vay trên sẽ không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Lưu ý: Theo Luật Doanh Nghiệp 2014, trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận GPKD, nếu chưa góp đủ vốn điều lệ thì bắt buộc công ty phải tiến hành đăng ký giảm vốn điều lệ.
Trường hợp 3: Cũng với ví dụ nêu trên, nhưng với số tiền vay là 4 tỷ, số tiền lãi vay đến thời điểm tất toán hợp đồng vay ngày 31/01/2018 với số tiền là: 160tr (4 tỷ x 1%/tháng x 4 tháng). Đến thời điểm 30/11/2017, các cổ đông đã tiến hành góp đủ vốn thì:
⇒ Chi phí lãi vay hợp lệ là: 120tr ( 2 tỷ (*) x 1%/tháng x 4 tháng + 4 tỷ (**) x 1%/tháng x 1 tháng)
(*): phần tiền vay cao hơn số vốn điều lệ còn thiếu
(**): phần vốn đã góp đủ vào ngày 30/11/2017.
⇒ Chi phí lãi vay bị xuất toán sẽ là: 40tr đồng. (2 tỷ * 1%/tháng * 2 tháng chưa góp đủ vốn điều lệ)
Trường hợp 4: Đến ngày 30/11/2017, các cổ đông vẫn chưa góp thêm vốn điều lệ thì:
⇒ Chi phí lãi vay hợp lý: 80tr (2 tỷ * 1%/tháng * 4 tháng)
⇒ Chi phí lãi vay không hợp lý, bị xuất toán sẽ là: 80tr (2 tỷ * 1%/tháng * 4 tháng)

Chi phí lãi vay hợp lệ là chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

chi phí lãi vay hợp lý phải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Tất cả các khoản chi phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và ngược lại, chi phí lãi vay được trừ cũng không là ngoại lệ. Việc này đã được quy định rất rõ trong khoản 1 điều 6, thông tư 96/2015/TT-BTC:
  • “a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
  • Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”
Vậy, để chi phí lãi vay là hợp lệ cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thanh toán lãi vay trên 20tr hay tất cả các khoản thanh toán lãi vay phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng ta cùng sẽ tiếp tục tìm hiểu ngay sau đây.

Thanh toán chi phí lãi vay của cá nhân và chi phí lãi vay của doanh nghiệp khác bằng phương thức nào?

Hiện nay, trên internet có rất nhiều thông tin cho rằng, việc thanh toán chi phí lãi vay của cá nhân hoặc doanh nghiệp bắt buộc phải dùng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và viện dẫn thông tư 09/2015/TT-BTC. Nhưng tại điều 1 thông tư 09/2015/TT-BTC về đối tượng điều chỉnh của thông tư này, thì: 
  • “Thông tư này hướng dẫn hình thức thanh toán của doanh nghiệp trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác; và hình thức thanh toán của các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng trong quan hệ vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau trên lãnh thổ Việt Nam.”
Như vậy, không phải tất cả các khoản vay đều phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Khi thanh toán tiền lãi vay, chúng ta nên xác định rõ như sau:

Chi phí lãi vay của cá nhân

Nếu chi phí lãi vay từng lần thanh toán từ 20tr đồng trở lên, chúng ta phải tuân thủ khoản 1, điều 6 thông tư 96/2015/TT-BTC. Là phải chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Còn nếu chi phí lãi vay của cá nhân có từng lần thanh toán dưới 20tr đồng, chúng ta phải có chứng từ chứng minh việc thanh toán chi phí lãi vay này như: phiếu chi tiền, phiếu kiểm đếm tiền mặt,…
Lưu ý: Khi thanh toán lãi vay của cá nhân, công ty đi vay phải khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân của người cho vay trước khi tiến hành chi trả tiền vay. Mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn là: 5%
Bài viết cùng chuyên mục: Giao dịch liên kết là gì?

Chi phí lãi vay của doanh nghiệp khác

Bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Tuân thủ đúng quy định pháp luật của thông tư 09/2015/TT-BTC ban hành ngày 29 tháng 01 năm 2015.

Chi phí lãi vay có thể bị xuất toán khi doanh nghiệp còn tồn quỹ tiền mặt quá nhiều

Việc này sẽ không có quy định ở bất cứ văn bản pháp luật nào nhưng theo kinh nghiệm tiếp rất nhiều đoàn thanh tra thuế của dịch vụ thay đổi GPKD Song Kim. Khi quỹ tiền mặt hoặc tiền gởi ngân hàng của công ty còn tồn quá nhiều mà công ty lại phát sinh khoản chi phí lãi vay thì khoản chi phí lãi vay này sẽ không được chấp nhận và sẽ bị xuất toán.
Ví dụ: công ty cổ phần Minh Quân tại thời điểm tháng 01/2018 đang còn tồn tiền mặt tại quỹ và tiền gởi ngân hàng với số tiền là 3 tỷ đồng. Tháng 02/2018, công ty Minh Quân tiến hành vay ngân hàng với số tiền 2 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn lưu động, thời hạn vay là 01 năm. Đến tháng 01/2019, công ty Minh Quân tiến hành tất toán khoản vay này. Nhưng trong suốt thời gian từ tháng 01/2018 đến tháng 01/2019, công ty không phát sinh hoặc phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa có dùng tiền mặt với số tiền không quá 3 tỷ đồng. Thì chi phí lãi vay của khoản vay này thường không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Lưu ý: đây là kinh nghiệm riêng của chúng tôi khi tiếp các đoàn thanh tra thuế. Không phải quy định của pháp luật và chúng tôi không khẳng định phần chi phí lãi vay này sẽ bị xuất toán.
Trên đây là tất cả các trường hợp xảy ra đối với chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Hy vọng nội dung bài viết sẽ giúp ích được các bạn trong công việc. Song Kim rất mong nhận được góp ý của các bạn để nội dung bài viết hoàn thiện hơn trong tương lai.
Trân trọng kính chào!
Zalo
X