Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, việc phải tuân thủ các quy định cơ bản của pháp luật về luật doanh nghiệp, kế toán, thuế, luật lao động,…là việc bắt buộc để có thể đảm bảo việc hoạt động của doanh nghiệp không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh, hình thức góp vốn cụ thể sẽ chịu sự điều tiết của một hoặc nhiều các luật khác, mà trong đó luật Kiểm Toán cũng là một bộ luật liên quan mật thiết đến việc vận hành bộ phận kế toán – thuế của doanh nghiệp. Hôm nay, Song Kim sẽ gởi đến các bạn bài viết: các đối tượng bắt buộc phải kiểm toán trước khi nộp báo cáo tài chính cho cơ quan thuế. Nếu công ty của bạn thuộc một trong các trường hợp sau đây, nên thực hiện việc
kiểm toán báo cáo tài chính trước khi nộp cho cơ quan thuế để tránh bị phạt nhé!
Quy định kiểm toán báo cáo tài chính trước khi nộp cho cơ quan thuế
Căn cứ vào điều 37 Luật Kiểm Toán Độc Lập số 67/2011/QH12 và Nghị định số 17/2012/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm Toán Độc Lập ban hành ngày 13 tháng 03 năm 2012, tại điều 15 có quy định cụ thể như sau:
- "Điều 15. Đơn vị được kiểm toán
- 1. Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
- a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- b) Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;
- c) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
- d) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- 2. Các doanh nghiệp, tổ chức khác bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của pháp luật có liên quan.
- 3. Doanh nghiệp, tổ chức phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:
- a) Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
- b) Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật phải được kiểm toán đối với báo cáo quyết toán dự án hoàn thành;
- c) Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
- d) Doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm;
- đ) Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm toán đối với báo cáo tài chính hàng năm.
- 4. Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này nếu theo quy định của pháp luật phải lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp thì phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp.
- 5. Việc kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với doanh nghiệp, tổ chức quy định tại các Điểm a và b Khoản 2 Điều này không thay thế cho việc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
- 6. Doanh nghiệp, tổ chức khác tự nguyện được kiểm toán."
Trong nội dung bài viết các đối tượng cần phải kiểm toán báo cáo tài chính này,
Song Kim chỉ đề cập đến trường hợp nằm tại điểm a, khoản 1, điều 15 nghị định số 17/2012/NĐ-CP, đó là các
công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Vậy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính có những đặc điểm gì?
Căn cứ vào khoản 17, điều 3, Luật Đầu Tư số 67/2014/QH13 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2014, có quy định:
- "17. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông"
Như vậy, có thể khẳng định rằng, đối với các công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài (tổ chức hoặc cá nhân), không phân biệt số vốn đầu tư hoặc số vốn điều lệ của doanh nghiệp là lớn hay nhỏ. Và không phân biệt số vốn góp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào công ty đó là bao nhiêu %. Đều bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính trước khi nộp cho cơ quan thuế quản lý.
>>> Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Tiền Giang
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính có bị phạt không?
Căn cứ vào điểm h, khoản 2, điều 10, Nghị định số 105/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập ban hành ngày 16 tháng 09 năm 2013, thì:
- “Điều 10. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và công khai báo cáo tài chính
- 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- ...
- h) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán.
- …”
Như vậy, mức phạt đối với việc không kiểm toán báo cáo tài chính đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài là khá cao. Nếu công ty của bạn thuộc trường hợp cần kiểm toán trước khi nộp báo cáo tài chính, hãy liên hệ ngay với các công ty có chức năng kiểm toán để thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính trước khi nộp cho cơ quan thuế, bạn nhé!
Ghi chú: bài viết “sự cần thiết kiểm toán báo cáo tài chính đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài” chỉ là bài chia sẻ thông tin.
Dịch vụ thành lập công ty Song Kim không có chức năng kiểm toán nên không cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính.
Song Kim chúc các bạn có 1 kỳ quyết toán thuế thành công!