Điểm hòa vốn

Menu

Khái niệm điểm hòa vốn là gì? Công thức tính điểm hòa vốn

09:49:23 24-11-2022 | Lượt xem: 29870

Điểm hòa vốn là một khái niệm quan trọng trong kinh doanh và tài chính. Để việc kinh doanh có đạt hiệu quả, hạn chế lỗ vốn thì chủ doanh nghiệp cần phải phân tích điểm hòa vốn để xác định được giá bán hàng, mục tiêu kinh doanh và đưa ra kế hoạch kinh doanh phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu về ý nghĩa của điểm hòa vốn và công thức tính điểm hòa vốn trong bài viết sau.

Điểm hòa vốn là gì?

Khái niệm điểm hòa vốn là gì? Công thức tính điểm hòa vốn

Điểm hòa vốn (Break Even Point) được dùng trong cả kinh doanh và tài chính, là điểm để chỉ mức sản xuất của doanh nghiệp mà tại đó tổng doanh thu sẽ bằng tổng chi phí. Có thể hiểu rằng, tại điểm hòa vốn thì doanh nghiệp sẽ không bị lỗ nhưng cũng sẽ không có lãi.
Điểm hòa vốn được coi là một mốc xác định lãi lỗ, được xác định bằng sản lượng hòa vốn (tính theo sản phẩm đã bán được), doanh thu hòa vốn (tính bằng tiền) và thời gian để hòa vốn (tính theo đơn vị thời gian). Đây là yếu tố quan trọng được đánh giá đầu tiên khi bạn quyết định đầu tư vào 1 mô hình kinh doanh nào đó. Nếu thành lập doanh nghiệp, việc tính điểm hòa vốn phải tính thêm các chi phí quản lý doanh nghiệp (có thể chỉ là chi phí dự trù).  Ngay sau đây, bạn hãy cùng Song Kim tìm hiểu chi tiết về điểm hòa vốn, các bạn nhé1

Điểm hòa vốn trong tài chính và trong kinh tế

Điểm hòa vốn có 2 loại là điểm hòa vốn kinh tế và điểm hòa vốn tài chính. Cụ thể:
  • Điểm hòa vốn kinh tế là điểm hòa vốn trước lãi vay. Tức là điểm mà chi phí đầu tư để sản xuất kinh doanh bằng tổng lợi nhuận thu về. Tại điểm hòa vốn này thì thuế và lợi nhuận trước lãi vay của doanh nghiệp sẽ bằng 0.
  • Điểm hòa vốn tài chính là điểm hòa vốn sau lãi vay. Tức là điểm mà tổng chi phí ( gồm cả phí sản xuất kinh doanh và cả lãi vay trong kỳ) sẽ bằng lợi nhuận bán hàng. Tại điểm hòa vốn này, doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận trước thuế. 

Ý nghĩa của điểm hòa vốn

Khái niệm điểm hòa vốn là gì? Công thức tính điểm hòa vốn
 
Khi xác định được điểm hòa vốn thì doanh nghiệp sẽ nắm được sản lượng sản xuất và doanh thu bán hàng như thế nào thì doanh nghiệp sẽ không bị lỗ. Từ đó sẽ biết được phạm vi lời hoặc lỗ theo doanh thu, sản lượng và chi phí. 
Điểm hòa vốn còn có ý nghĩa là:
  • Giúp doanh nghiệp xác định được mức giá sản phẩm hoặc dịch vụ hợp lý mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được để mang về doanh số cao nhất..
  • Nắm được hiệu quả của hoạt động kinh doanh để hoàn vốn đầu tư ban đầu. Doanh nghiệp bán được số lượng sản phẩm vượt qua điểm hòa vốn thì doanh nghiệp sẽ có lãi. Và ngược lại, nếu sản lượng tiêu thụ thấp hơn điểm hòa vốn thì tức là doanh nghiệp vẫn đang bị lỗ.
  • Chủ doanh nghiệp sẽ dựa vào điểm hòa vốn để kiểm tra biên độ an toàn khi đầu tư sản xuất.
  • Xác định ngân sách để thực hiện các dự án khác của doanh nghiệp, tham gia vào giao dịch chứng khoán hoặc giao dịch quyền chọn.
  • Xác định con số tối thiểu của doanh thu có thể bù vào các khoản chi phí sản xuất.
  • Xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh để mang về lợi nhuận cao.

Có thể bạn sẽ cần: Dịch vụ tạm ngừng kinh doanh trọn gói

Công thức tính điểm hòa vốn

 
Trong kinh doanh, có 2 cách để tính điểm hòa vốn:

Cách tính điểm hòa vốn khi doanh nghiệp kinh doanh 1 sản phẩm

Điểm hòa vốn = Tổng chi phí cố định/(Giá bán 1 sản phẩm - Chi phí biến đổi của 1 sản phẩm)
Ví dụ: giá bán của 1 sản phẩm là 50.000 VNĐ, chi phí cố định mỗi năm là 500.000 VNĐ, chi phí biến đổi 1 sản phẩm là 10.000 VND thì điểm hòa vốn =500.000/(60.000- 10.000) = 10 sản phẩm
Doanh nghiệp kinh doanh nhiều sản phẩm

Cách tính điểm hòa vốn trong doanh nghiệp kinh doanh nhiều sản phẩm

Bước 1: Tính tỷ lệ sản phẩm = (Doanh thu mặt hàng/Tổng doanh thu của doanh nghiệp) x 100%
Bước 2: Tính phần trăm số dư bình quân đảm phí = Tỷ lệ số dư đảm phí của từng mặt hàng x Tỷ lệ mặt hàng tương ứng
Bước 3: Tính doanh thu hòa vốn = Tổng định phí/Tỷ lệ số dư đảm phí bình quân
Bước 4: Tính doanh thu hòa vốn của sản phẩm = Doanh thu hòa vốn x Tỷ lệ kết cấu của mặt hàng cần tính

Bài viết cùng chuyên mục: Doanh thu thuần là gì?

Cách tính điểm hòa vốn khi đầu tư chứng khoán

Điểm hòa vốn = (Số tiền mua chứng khoán + lãi vay)/Số cổ phiếu

3 phương pháp tính điểm hòa vốn trong doanh nghiệp

  • Phương pháp phương trình: Tại điểm hòa vốn thì lợi nhuận sẽ bằng 0 nên doanh thu = biến phí + định phí
=> Từ đó, sản lượng hòa vốn = Tổng định phí/(Đơn giá bán - biến phí đơn vị)
=> Doanh thu hòa vốn = Sản lượng hòa vốn x Đơn giá bán.
  • Phương pháp số dư đảm phí: Sản lượng hòa vốn = Tổng định phí/Số dư đảm phí đơn vị Doanh thu hòa vốn = Tổng định phí/Tỷ lệ số dư đảm phí
  • Phương pháp đồ thị: Trên trục tọa độ Oxy, Ox là sản lượng sản phẩm, Oy là tổng chi phí. Khi đó, Tổng chi phí = Chi phí biến đổi x Sản lượng. Tổng doanh thu = Sản lượng x Giá bán. Giao điểm của doanh thu và chi phí chính là điểm hòa vốn.
Trong đó:
  • Định phí là chi phí cố định của doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh.
  • Biến phí là chi phí biến đổi.
  • Đảm phí là chênh lệch giữa giá bán của sản phẩm và chi phí biến đổi của sản phẩm đó. 

Tại sao nên phân tích điểm hòa vốn?

 
Khái niệm điểm hòa vốn là gì? Công thức tính điểm hòa vốn

Điểm hòa vốn là con số quan trọng mà các doanh nghiệp phải nắm được. Doanh nghiệp nên theo dõi và phân tích điểm hòa vốn để:
  • Biết được lợi nhuận của các dòng sản phẩm như thế nào.
  • Doanh số bán hàng có thể dao động trong khoảng nào để không bị lỗ.
  • Cần bán bao nhiêu sản phẩm để hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận. 
  • Nếu thay đổi giá bán ra của sản phẩm thì tổng số lượng sản phẩm tiêu thụ cũng như chi phí sẽ có ảnh hưởng thế nào tới tổng doanh thu của doanh nghiệp.
  • Nếu chi phí cố định tăng thì doanh nghiệp sẽ phải tăng giá sản phẩm, tăng sản lượng tiêu thị hay giảm chi phí biến đổi để đảm bảo lợi nhuận và không bị lỗ.
  • Dự đoán trước được những ảnh hưởng có thể tác động đến doanh thu khi thay đổi giá bán, thay đổi chi phí hoặc sản lượng.
  • Đầu tư tài sản cố định để tạo đòn bẩy kinh doanh từ việc phân tích quan hệ giữa chi phí biến đổi và chi phí cố định.

Những lưu ý khi phân tích điểm hòa vốn

Việc phân tích điểm hòa vốn thực tế gặp phải rất nhiều khó khăn mà chúng ta cần lưu ý đó là:
  • Giá bán hàng sẽ thay đổi tùy theo số lượng sản phẩm bán ra và thay đổi theo cung cầu trên thị trường. Như vậy không thể giả định giá bán ra các sản phẩm sẽ không thay đổi ở các mốc số lượng khác nhau.
  • Các chi phí biến đổi và chi phí cố định cần phải được xác định chính xác và phân chia rõ ràng để có thể tính toán được điểm hòa vốn. 
  • Doanh nghiệp sẽ luôn luôn có một số lượng hàng tồn kho cho nên khó có thể giả định số lượng sản xuất và bán hàng như nhau. 
  • Thực tế, các doanh nghiệp sẽ kinh doanh rất nhiều mặt hàng khác nhau. Do đó, xác định điểm hòa vốn sẽ khó khăn hơn trong điều kiện các mặt hàng sản phẩm của doanh nghiệp khác nhau về giá và các chi phí biến đổi. Khi đó, chúng ta nên quy đổi các sản phẩm về một sản phẩm chuẩn duy nhất để tính điểm hòa vốn.
  • Trong trường hợp có lạm phát cao thì việc phân tích điểm hòa vốn sẽ có sai lệch vì công thức tính điểm hòa vốn không phụ thuộc đến giá trị tiền tệ thay đổi theo thời gian. Do đó khi tính toán điểm hòa vốn chúng ta vẫn cần phải chú ý đến giá trị tiền tệ thay đổi tại các thời điểm khác nhau.
  • Khi cần phân tích điểm hòa vốn qua nhiều giai đoạn khác nhau thì nên thể hiện vị trí điểm hòa vốn lên đồ thị để dễ quan sát và xác định xu hướng kinh doanh.
Kết luận 
Qua bài viết này, chúng ta đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa của điểm hòa vốn và nắm được công thức tính điểm hòa vốn trong kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ vận dụng để đưa ra kế hoạch kinh doanh phù hợp, góp phần làm tăng doanh thu bán hàng. Song Kim chúc các bạn thành công trong kinh doanh!
Zalo
X