kế toán tài chính

Menu

Phân biệt kế toán tài chính và kế toán quản trị

12:26:29 12-01-2022 | Lượt xem: 2767

Kế toán quản trị và kế toán tài chính là hai bộ phận quan trọng của doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin cho mục đích chung là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Kế toán quản trị là gì? Kế toán tài chính là gì? Làm sao để phân biệt kế toán tài chính và kế toán quản trị? Hôm nay, bạn hãy cùng Song Kim tìm hiểu về 2 khái niệm này, bạn nhé!

Kế toán quản trị là gì?

Phân biệt kế toán tài chính và kế toán quản trị

Định nghĩa kế toán quản trị

  • Theo quy định của Luật kế toán: Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.(Theo Điều 3 Luật kế toán 2013)
  • Tại Việt Nam, vai trò của kế toán quản trị được quan tâm trong những năm gần đây và kế toán quản trị trở thành một trong những bộ phận chủ chốt của doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp lớn.
>>> Tin cùng chuyên mục: Song Kim tuyển dụng kế toán thuế

Đặc điểm kế toán quản trị

  • Kế toán quản trị cung cấp thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, là căn cứ để ban lãnh đạo ra quyết định cũng như lên các kế hoạch hoạt động.
  • Kế toán quản trị có thể so sánh giữa các thời kỳ, dùng để phân tích và lý giải cho kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
  • Thông tin của kế toán quản trị không phải tuân theo quy định về kế toán, thông tin có thể tập trung vào một số nội dung theo yêu cầu quản trị  sao cho phù hợp.

Vai trò của kế toán quản trị

-Xây dựng kế hoạch hoạt động cho doanh nghiệp: Việc xây dựng kế hoạch bao gồm các việc: đặt mục tiêu (ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn), chuẩn bị nguồn lực tài chính cho các mục tiêu được đặt ra và đưa ra phương pháp, cách thức tối ưu để thực hiện.

-Tổ chức thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp: Sau khi đã có kế hoạch thì việc tổ chức thực hiện nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra. Trong quá trình thực hiện cần đảm sử dụng hợp lý nguồn lực theo ngân sách và kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh.

-Kiểm tra và đánh giá: Đây là vai trò thực hiện nhằm đánh giá kết quả đạt được so với kế hoạch. Việc kiểm tra, nhằm đảm bảo cho từng bộ phận và cả tổ chức đi theo đúng kế hoạch đã vạch ra và là căn cứ để cải thiện các điểm yếu kém trong tương lai.

-Ra quyết định: Đây chính là vai trò cơ bản của kế toán quản trị. Từ các thông tin, báo cáo quản trị mà ban lãnh đạo sẽ đưa ra các quyết định phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tiết kiệm chi phí.

Trong 1 doanh nghiệp, việc thực hiện nghiệp vụ kế toán quản trị sẽ do giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng thực hiện.

Kế toán tài chính là gì?

Phân biệt kế toán tài chính và kế toán quản trị

Định nghĩa kế toán tài chính

  • Theo quy định của Luật kế toán: Kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán. (Điều 3 Luật kế toán 2013)
  • Các thông tin của kế toán tài chính phản ánh thực trạng và biến động vốn, tài sản hay các dòng vật chất, tiền tệ sẽ được tổng hợp thông qua các số liệu để phục vụ cho các nhu cầu thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp như nhà đầu tư, ngân hàng, kiểm toán, cơ quan Nhà nước,..

Đặc điểm của kế toán tài chính

  • Kế toán tài chính có hệ thống báo cáo phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành về kế toán của từng quốc gia.
  • Thông tin kế toán tài chính là những thông tin về những hoạt động đã phát sinh, được căn cứ từ chứng từ theo quy định, được thể hiện dưới hình thái giá trị.
  • Kế toán tài chính có hệ thống báo cáo tài chính được thực hiện định kỳ hằng năm hoặc quý. Ví dụ như: báo cáo thuế định kỳ sẽ do kế toán thuế thực hiện. Lập bảng lương, phiếu chi lương, ghi nhận chi phí lương sẽ do kế toán tiền lương thực hiện.

Vai trò của kế toán tài chính

  • Kế toán tài chính cung cấp các thông tin cho nội bộ doanh nghiệp và các đối tượng bên ngoài. Thông tin báo cáo tài chính là cơ sở cho người sử dụng đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp.
  • Giúp người sử dụng thông tin quản lý rủi ro khi có những biến động về tài chính.
  • Kế toán tài chính là cơ sở để doanh nghiệp giải quyết các khiếu nại, tranh chấp, kiện tụng,..
  • Là cơ sở góp phần cho doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng.

Phân biệt kế toán tài chính và kế toán quản trị

Phân biệt kế toán tài chính và kế toán quản trị
 
Sau đây, dịch vụ mở doanh nghiệp Song Kim sẽ gởi đến các bạn sự giống nhau và khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính. Hy vọng qua bảng so sánh này, sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan giữa 2 mảng nghiệp vụ này.

Sự giống nhau giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị

  • Thông tin cung cấp đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
  • Đều phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp
  • Đều có mối quan tâm đến  sự vận động của tài sản, nguồn vốn nhằm mục đích tối đa lợi nhuận, tăng doanh thu, giảm chi phí.
  • Là công cụ quản lý doanh nghiệp

Sự khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính

Nội dung Kế toán quản trị Kế toán tài chính
Đối tượng sử dụng thông tin Nội bộ doanh nghiệp bao gồm: chủ sở hữu, ban quản lý doanh nghiệp, ban lãnh đạo,... Đối tượng bên ngoài: cổ đông, khách hàng, nhà cung cấp, ngân hàng, các cơ quan Nhà nước,...
Nguyên tắc trình bày và cung cấp thông tin Không bắt buộc tuân theo nguyên tắc, linh hoạt phù hợp với thực tế từng doanh nghiệp Phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ kế toán được ban hành
Tính pháp lý Mang tính nội bộ, và đặc trưng của từng doanh nghiệp Có tính pháp lệnh, phải tuân theo các quy định thống nhất nếu muốn được thừa nhận.
Đặc điểm của thông tin Thông tin chủ yếu phục vụ cho việc đưa ra quyết định hành động trong tương lai Thông tin phản ánh về những nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh, đã xảy ra từ hệ thống chứng từ
Phạm vi của thông tin Thông tin liên quan đến từng bộ phận và toàn doanh nghiệp Thông tin liên quan đến việc quản lý tài chính trên quy mô toàn doanh nghiệp.
Kỳ báo cáo Qúy, năm, tháng, tuần tùy theo yêu cầu của ban lãnh đạo Qúy, năm
Tính bắt buộc theo luật định Không có tính bắt buộc Có tính bắt buộc theo luật định
Qua bài viết, Song Kim mong rằng các bạn hiểu rõ đặc điểm, vai trò và có thể dễ dàng phân biệt được Kế toán quản trị và Kế toán tài chính. Chúc các bạn thành công
Zalo
X