Kinh nghiệm phỏng vấn kế toán

Menu

[Chia sẻ] – Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn kế toán

15:56:45 23-08-2022 | Lượt xem: 1195

[Ghi chú] – Bài viết chia sẻ kinh nghiệm đi phỏng vấn kế toán chỉ có tính chất góp ý, nhằm giúp các bạn kế toán (nhất là các bạn kế toán mới ra trường) có sự chuẩn bị tốt hơn khi đi phỏng vấn. Bài viết được chia sẻ dựa trên góc độ người tuyển dụng, không có ý công kích hay chê trách bất cứ bạn nào. Nếu có điểm nào chưa phù hợp, Song Kim xin được lắng nghe và ghi nhận sự góp ý của các bạn! 
Trong hơn 5 năm đứng tại vị trí tuyển dụng kế toán, mình đã tuyển dụng nhiều vị trí kế toán từ kế toán thuế (cho dịch vụ kế toán Song Kim), cũng như các vị trí kế toán kho, kế toán tổng hợp cho khách hàng. Đối tượng phỏng vấn cũng đa dạng từ những bạn đã có kinh nghiệm 4-5 năm đến các bạn chưa có kinh nghiệm, từ độ tuổi mới ra trường đến các bạn đã có gia đình,…Nên tạm kết và đưa ra các kinh nghiệm để các bạn lưu ý, nhằm tránh mắc các lỗi sơ đẳng khi đi phỏng vấn. Mời các bạn tham khảo nội dung sau đây.
[Chia sẻ] – Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn kế toán

Vấn đề 1: Về tác phong và thời gian khi đi phỏng vấn vị tí kế toán

Không riêng việc đi phỏng vấn vị trí kế toán, việc đảm bảo tác phong và thời gian khi đến phỏng vấn có thể áp dụng khi bạn phỏng vấn tất cả các ngành nghề.
- Đầu tiên, hãy đảm bảo không được trễ thời gian phỏng vấn đã được hẹn trước. Trong trường hợp bất khả kháng, hãy chủ động gọi điện thoại và thông báo cho bên tuyển dụng, lời xin lỗi là việc quan trọng đầu tiên cần thực hiện. Nhiều bạn khi được đặt lịch hẹn phỏng vấn, không hề xem lại lịch của bản thân (vì nộp đơn nhiều nơi, có thể lịch phỏng vấn bị trùng hoặc quá sát nhau), đến sát lịch phỏng vấn mới nhớ ra và mới gọi điện thoại hẹn lại. Có nhiều bạn, hẹn cho có nhưng không đến phỏng vấn thì không có việc gì ảnh hưởng đến mình. Nhưng làm như thế, dần dà sẽ tạo cho các bạn 1 thói quen xấu. Và nếu CV bạn được xem và hẹn phỏng vấn từ các website tuyển dụng, rất có thể bạn sẽ bị đánh giá xấu trên các website này.
- Khi đi phỏng vấn vị trí kế toán nên ăn mặc gọn gàng, nói chuyện từ tốn, tác phong nhanh nhẹn, tập trung lắng nghe và trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Nếu bạn không nghe rõ, có thể hỏi lại người phỏng vấn để nắm được nội dung câu hỏi. Tránh tình trạng nghe không rõ và trả lời lạc đề hoặc ấp úng khi trả lời. Vị trí kế toán là vị trí cần sự cẩn thận và chính xác nên mình chắc chắn không có người phỏng vấn nào đánh giá thấp bạn khi bạn cần nắm rõ câu hỏi tuyển dụng, đúng không nào?
- Luôn chuẩn bị sẵn để trả lời các câu hỏi phổ biến khi phỏng vấn: lý do bạn nghỉ làm tại công ty cũ? Đây là câu hỏi phổ biến nhất khi phỏng vấn và được hỏi ở hơn 70% các cuộc phỏng vấn. Không nên nói xấu công ty cũ khi được phỏng vấn, nhất là về chính sách phúc lợi, thời gian làm việc hay chế độ lương thưởng. Vì mỗi công ty sẽ có 1 chính sách lương thưởng công việc khác nhau, nên khi nói xấu về chính sách của công ty cũ là 1 điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu được trúng tuyển, bạn sẽ sẵn sàng đi làm vào thời điểm nào? Câu hỏi này cũng tương đối quan trọng, nhiều bạn ghi rõ trong CV xin việc là đang làm việc tại công ty XYZ nhưng lại trả lời em có thể đi làm bất cứ lúc nào, hay sau 1-5 ngày … Như vậy 1 là bạn là người không hề quan trọng trong bộ máy công ty, 2 là bạn không có trách nhiệm đối với công việc hiện tại, hoặc bạn ý thức được tầm quan trọng của công việc kế toán, 3 là CV của bạn chỉ là ghi để cho đẹp thôi. Các bạn nên nhớ rằng: làm gì, làm ở đâu cũng cần có cái Tâm, cần tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với nghề của mình. Và đối với trường hợp này, ngưởi trực tiếp phỏng vấn sẽ không đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của bạn. Hãy hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đã được giao tại công ty cũ, và đặt ra lịch hẹn làm việc tại công ty mới 1 cách thật thận trọng!
- Sau khi phỏng vấn xong, bạn phải đặt câu hỏi cho người phỏng vấn về quy chế hoạt động của công ty, thời gian làm việc, chế độ lương, thưởng …Việc này thể hiện sự quan tâm của bạn đến công việc sắp tới của bạn, trong 1 môi trường hoàn toàn mới. và quan trọng hơn hết, đó chính là quyền lợi của bạn. Cuối cùng nên nói lời Cảm ơn trước khi ra về. Đây là 1 kinh nghiệm đi phỏng vấn kế toán rất hay, vì khi bạn nói lời cảm ơn, sẽ tạo được thiện cảm rất lớn cho người phỏng vấn bạn

>>> Tin tức cùng chuyên mục: Kế toán tiền lương là gì?

Vấn đề 2: Chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn kế toán thật cẩn thận

[Chia sẻ] – Kinh nghiệm khi đi phỏng vấn kế toán
 
- Hồ sơ xin việc (CV) là ấn tượng đầu tiên của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Đặc biệt khi tuyển dụng vị trí kế toán, các nhà tuyển dụng sẽ luôn đề cao tính cẩn thận của ứng viên. Rất nhiều bạn khi đi phỏng vấn vị trí kế toán, phẩm chất đầu tiên được các bạn liệt kê là cẩn thận, tỉ mĩ trong công việc. Nhưng trong hồ sơ xin việc, viết sai chính tả, không căn chỉnh văn bản,…đây là 1 điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Kinh nghiệm soạn CV xin việc kế toán là hãy dò chính tả ít nhất là 2 lần trước khi gởi CV nhé các bạn! Về phần quá trình làm việc, hãy sắp xếp thời gian và nội dung công việc từ thời điểm hiện tại và lùi dần về quá khứ. Nếu CV có ghi thêm các thông tin về công ty đã làm như: ngành nghề kinh doanh, quy mô công ty,…sẽ là 1 điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.
- Hiện nay, với sự nở rộ của các website tuyển dụng, các bạn thường nộp hồ xin việc kế toán sơ qua mạng. Vì thế, nhiều bạn khi đi phỏng vấn thường không mang theo hồ sơ xin việc. Việc này sẽ tạo ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Hay nhất, khi đi phỏng vấn các bạn nên mang theo 1 bộ hồ sơ photocopy, bao gồm: đơn xin việc, sơ yếu lý lịch, các bằng cấp liên quan,…Nếu bạn được nhận việc, khi đó bổ sung bộ hồ sơ xin việc kế toán theo quy định của công ty.
- Hãy trung thực khi ghi CV. Nhiều bạn khi ghi kinh nghiệm làm việc rất hoành tráng nhưng lại ứng tuyển vị trí kế toán viên với mức lương rất thấp (dành cho sinh viên mới ra trường) sẽ tạo tâm lý không thiện cảm cho nhà tuyển dụng; hay bạn ghi trong CV là có thể lên báo cáo tài chính cuối năm nhưng khi được hỏi lên BCTC được thực hiện theo thông tư nào lại không biết rõ số hiệu của thông tư.

Vấn đề 3: Xác định rõ vị trí kế toán mà bạn ứng tuyển

- Đầu tiên, phải xác định rõ các nghiệp vụ và kinh nghiệm cần có đối với vị trí kế toán mà bạn ứng tuyển. Cũng giống như các ngành nghề khác, kế toán bao gồm rất nhiều vị trí như: kế toán thuế, kế toán tổng hợp, kế toán thanh toán,… Nhiều bạn ứng tuyển vị trí kế toán tổng hợp nhưng chỉ mới có kinh nghiệm là kế toán kho. Hay ứng tuyển vị trí kế toán trưởng nhưng chưa từng làm mảng thuế, ứng tuyển chỉ vì bạn có bằng kế toán trưởng. Khi ứng tuyển với 1 vị trí quá cao so với năng lực thật sự, bạn sẽ không được tuyển ngược lại, sẽ làm bạn nản lòng vì nộp đơn quá nhiều nhưng không được tuyển dụng.
- Hãy tìm hiểu kỹ về quy mô, ngành nghề kinh doanh mà công ty bạn ứng tuyển trước khi đến buổi phỏng vấn. Hiện nay, đa số các công ty đều có website hoặc fanpage để giới thiệu về công ty, đây là kênh thông tin hữu ích giúp bạn tìm hiểu được nhiều thông tin công ty, từ đó, sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất và hoàn thành tốt buổi phỏng vấn.

Vấn đề 4: Chuẩn bị kiến thức chuyên môn trước khi đến phỏng vấn kế toán

- Hãy ôn lại và tìm hiểu các kiến thức liên quan đến vị trí kế toán mà mình ứng tuyển: Các bạn phải tìm hiểu theo quy chuẩn chứ không phải chỉ theo những gì bạn đã làm và đã hiểu, nhiều bạn khi nhận được câu hỏi phỏng vấn thì: Ơ, công ty em không bao giờ làm cái này! Ơ tại sao lại để xuất kho âm số lượng vậy anh, em không bao giờ làm như thế (Yêu cầu của người PV là lọc các vật tư xuất âm kho!),… Một khi bạn không biết, hãy thẳng thắn trả lời là bạn chưa gặp tình huống này bao giờ, và nêu rõ nếu trong quá trình làm việc có gặp trường hợp tương tự, bạn sẽ tìm hiểu và giải quyết được vấn đề. Nhớ nhé, kế toán là dựa trên văn bản pháp luật để thực hiện, không nên trả lời bừa khi bạn không nắm rõ vấn đề.
Một khi bạn không nhớ rõ hoặc không biết thì nên trả lời thẳng thắn là vấn đề này em chưa gặp phải nên em chưa tìm hiểu kỹ, nếu trong quá trình làm việc em tự tin sẽ tìm hiểu thêm và làm được! Thành thật và thẳng thắn là 1 kinh nghiệm đi phỏng vấn kế toán mà bất cứ ai cũng phải nằm lòng. Nhiều bạn rất tự tin và hồn nhiên đối chất với người PV nhưng khi người PV đưa ra luận cứ Pháp luật về vấn đề đó thì lại: À ra thế! Ơ thế ạ, em cứ tưởng! Ừ nhỉ! Khi đó bạn đã rất mất điểm với nhà tuyển dụng, tranh luận là tốt và được khuyến khích nhưng đừng vội tỏ ra là mình đúng, người phỏng vấn sai khi bạn chưa thật sự chắc chắn về vấn đề đó.

>>> Có thể bạn sẽ cần: dịch vụ thay đổi đăng ký kinh doanh

Vấn đề 5: Kỹ năng mềm là điểm cộng rất lớn khi phỏng vấn vị trí kế toán

- Trước hết các bạn phải có thái độ nghiêm túc trước, trong và sau khi phỏng vấn; tôn trọng đơn vị mà mình ứng tuyển, tôn trọng hình thức phỏng vấn của họ và tôn trọng người phỏng vấn. Cách phỏng vấn mỗi nơi mỗi khác nếu bạn không tôn trọng cách phỏng vấn của đơn vị tuyển dụng chắc chắn cơ hội làm việc tại công ty đó không dành cho bạn.
- Bạn hãy trang bị thêm cho mình các kiến thức khác ngoài kiến thức chuyên môn như: tin học văn phòng, phần mềm kế toán, Luật lao động, luật BHXH, luật cụ thể liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị phỏng vấn. Khi bạn phỏng vấn ở vị trí Kế toán tổng hợp, phó phòng kế toán, phụ trách kế toán hay kế toán trưởng thì kiến thức bạn cần là kiến thức tổng hợp chứ không đơn giản chỉ là kiến thức chuyên môn.
- Kỹ năng xử lý tình huống: Không ai là giỏi tất cả, không ai là biết hết mọi thứ, quan trọng nhất là biết cách xử lý tình huống. Khi bạn không biết 1 vấn đề nhưng cách trả lời và câu trả lời của bạn cũng sẽ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Người trúng tuyển không phải là người giỏi nhất mà là người PHÙ HỢP nhất!
Trên đây là 1 số kinh nghiệm khi phỏng vấn vị trí kế toán. Tùy từng vị trí cụ thể, có thể có những kinh nghiệm khác nhau. Song Kim mong nhận được sự đóng góp của các bạn để bài chia sẻ này ngày càng hoàn thiện hơn.
Zalo
X