phụ cấp độc hại có tính thuế TNCN không

Menu

Công văn 71943 về phụ cấp độc hại có tính thuế TNCN không

09:28:31 25-01-2022 | Lượt xem: 5389

Đối với 1 số ngành nghề như thu ngân, thủ quỹ, khai thác mỏ,...thì phụ cấp độc hại là loại phụ cấp không thể thiếu. Vậy, phụ cấp độc hại có tính thuế TNCN không? Để làm rõ vấn đề này, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 71943/CT-TTHT để trả lời Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) vấn đề này. Hôm nay, mời bạn cùng Song Kim tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.
Công văn 71943 về phụ cấp độc hại có tính thuế TNCN không

Công văn số 71943/CT-TTHT hướng dẫn việc phụ cấp độc hại có tính thuế TNCN không?

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
Số: 71943/CT-TTHT
V/v thuế TNCN đối với khoản phụ cấp độc hại, nguy hiểm
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2020
Kính gửi: Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam)
(Địa chỉ: Tầng 16, Tòa nhà Gelex Tower, số 52 Lê Đại Hành, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, MST: 0103134809)
Trả lời công văn số HR/14072020/01 ngày 14/7/2020 của Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) hỏi về xác định thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho công việc thủ quỹ, kiểm ngân, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điểm b.4 Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn thu nhập từ tiền lương, tiền công:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:.
...b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
...b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ.
Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
…”
- Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương hướng dẫn chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
“Điều 11. Một số chế độ phụ cấp lương
1. Chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
a) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
b) Công ty rà soát phân loại điều, kiện lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, so sánh mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề, công việc với điều kiện lao động bình thường để xác định mức phụ cấp, bảo đảm: Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10%; nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.
c) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày, làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày.”
- Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội về việc ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:
“Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Người lao động làm các nghề, công việc ban hành kèm theo Thông tư này và Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13 tháng 10 năm 1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996, Quyết định số 190/1999/QĐ- BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì được hưởng các chế độ về bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội quy định tại Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành…”
- Căn cứ Danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hướng dẫn:
“…
Số TT Tên nghề hoặc công việc Đặc điểm về điều kiện lao động của nghề công việc
  Điều kiện lao động loại IV
...6 Kiểm ngân, thủ quỹ ngân hàng. - Công việc bận rộn, nhịp điệu cử động cao, căng thẳng thị giác, chịu tác động của bụi nồng độ cao (bụi tổng hợp, nấm, vi sinh vật có hại)
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) chi khoản phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho người lao động thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (kiểm ngân, thủ quỹ ngân hàng) theo đúng quy định của pháp luật thì khoản chi phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho người lao động nêu trên không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.
Ngân hàng được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước (Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015) để tính mức phụ cấp, trợ cấp được trừ. Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc, đề nghị Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) liên hệ với Phòng Thanh tra kiểm tra số 8 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để nghị Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) được biết và thực hiện./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TKT8;
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG


 
Nguyễn Tiến Trường
Kết luận:
Phụ cấp độc hại là khoản phụ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, khi khoản phụ cấp độc hại này được trả cho người lao động đang thực hiện công việc có tính chất nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại (danh mục ngành nghề đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ)
Trên đây là toàn bộ nội dung của công văn số 71943/CT-TTHT giải đáp về việc phụ cấp độc hại có tính thuế TNCN không? Qua nội dung công văn này, hy vọng các bạn đang phụ trách kế toán lương tại doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về phụ cấp nguy hiểm, độc hại để việc tính thuế TNCN của người lao động. Chúc các bạn thành công!
Zalo
X