Hồ sơ thanh lý tài sản cố định

Menu

Bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định cần chứng từ gì?

09:28:36 11-01-2019 | Lượt xem: 102731

Việc thanh lý tài sản cố định thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Việc thanh lý tài sản cố định xảy ra khi TSCĐ đó không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Hoặc trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, việc thanh lý tài sản cố định là việc cần làm đầu tiên. Vậy, khi thanh lý tài sản cố định, cần những thủ tục, hồ sơ ra sao? Bạn hãy cùng Song Kim tìm hiểu qua bài viết sau. Đầu tiên, hãy cùng Song Kim tìm hiểu tài sản cố định là gì?

Bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định cần chứng từ gì?

Tài sản cố định là gì?

Tài sản cố định là tư liệu sản xuất dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản cố định có giá trị lớn, được sử dụng lâu dài, ổn định qua nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh. Theo thông tư số 45/2013/TT-BTC được ban hành ngày 25 tháng 04 năm 2013, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/06/2013, thì các xác định đối tượng máy móc, thiết bị có đủ điều kiện cấu thành tài sản cố định hay không? Sẽ phải thỏa mãn 3 yếu tố:
  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
  • Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
  • Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.
 
Bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định cần chứng từ gì?

Thanh lý tài sản cố định là gì?

Thanh lý tài sản cố định là việc doanh nghiệp tiến hành bán các tài sản đã mua sắm (đã ghi tăng) của mình, bởi 1 trong các lý do sau:

  • TSCĐ đã hết thời gian khấu hao
  • Tài sản cố định đã lạc hậu, không còn phù hợp với việc sản xuất của doanh nghiệp;
  • Tài sản cố định hư hỏng, không sử dụng được;
  • Khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể;
  • Hoặc đơn giản doanh nghiệp muốn thay đổi tài sản cố định để phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình

Thì khi đó, doanh nghiệp sẽ tiến hành thanh lý tài sản cố định.

Cách tính giá trị thanh lý tài sản cố định

Công thức tính giá trị thanh lý tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định – Giá trị đã khấu hao

>>> Có thể bạn quan tâm: Trích khấu hao tài sản cố định là gì?

Vậy, bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định sẽ bao gồm những hồ sơ nào? Mời bạn cùng dịch vụ kế toán Song Kim tiếp tục tìm hiểu qua nội dung sau đây.

Bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định 

Bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định cần chứng từ gì?
Theo tiết 3.2.2, điểm 3.2, khoản 3, điều 35, thông tư số 200/2014/TT-BTC do Bộ Tài Chính ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2014. Có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01 năm 2015, thì:
  • "3.2.2. Trường hợp thanh lý TSCĐ: TSCĐ thanh lý là những TSCĐ hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng được, những TSCĐ lạc hậu về kỹ thuật hoặc không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Khi có TSCĐ thanh lý, doanh nghiệp phải ra quyết định thanh lý, thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ. Hội đồng thanh lý TSCĐ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong chế độ quản lý tài chính và lập “Biên bản thanh lý TSCĐ" theo mẫu quy định. Biên bản được lập thành 2 bản, 1 bản chuyển cho phòng kế toán để theo dõi ghi sổ, 1 bản giao cho bộ phận quản lý, sử dụng TSCĐ. 
  • Căn cứ vào Biên bản thanh lý và các chứng từ có liên quan đến các khoản thu, chi thanh lý TSCĐ,... kế toán ghi sổ như trường hợp nhượng bán TSCĐ."
Như vậy, hồ sơ thanh lý tài sản cố định của doanh nghiệp theo thông tư 200/2014/TT-BTC sẽ bao gồm:
  • Quyết định thanh lý tài sản cố định
  • Biên bản thanh lý tài sản cố định
 
Nhưng trên thực tế, qua quá trình quyết toán thuế hàng trăm doanh nghiệp trong hơn 09 năm cung cấp dịch vụ kế toán trọn gói, Song Kim đã đút rút được 1 bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định hoàn chỉnh, sẽ bao gồm:
  • Quyết định thanh lý tài sản cố định (TSCĐ)
  • Biên bản đánh giá lại tài sản cố định (Ghi nhận tình trạng, giá trị còn lại trên sổ sách kế toán,…)
  • Biên bản thanh lý tài sản cố định
  • Thông báo thanh lý tài sản cố định: Doanh nghiệp tiến hành đăng báo và chụp lại ảnh tin đăng thanh lý TSCĐ trong 3 kỳ liên tiếp. Nội dung bài đăng phải bao gồm: thông tin về tài sản cố định (tên, đời, số hiệu hoặc mã loại), giá bán, thời gian thanh lý,…
  • Hợp đồng thanh lý TSCĐ với cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng
  • Hóa đơn thanh lý TSCĐ
  • Các hồ sơ khác như: Quyết định lập hội đồng thanh lý TSCĐ (Bao gồm: giám đốc doanh nghiệp, trưởng bộ phận quản lý trực tiếp TSCĐ, kế toán)

Mẫu hồ sơ thanh lý tài sản cố định

Ngay sau đây, Song Kim sẽ gởi đến các bạn các biểu mẫu thanh lý tài sản cố định. Mời các bạn tham khảo.

Hạch toán thanh lý tài sản cố định

Bộ hồ sơ thanh lý tài sản cố định cần chứng từ gì?
Sau đây, Song Kim sẽ gởi đến các bạn các nghiệp vụ kế toán liên quan đến việc thanh lý tài sản cố định.
Xuất bán tài sản cố định, kế toán tiến hành ghi nhận thu nhập khác
Nợ TK 111,112,131: Tùy thuộc vào hình thức thanh toán
Có TK 711: Giá thanh lý tài sản cố định
Có TK 3331: Thuế GTGT của tài sản cố định
Song song với đó, kế toán tiến hành ghi giảm TSCĐ
Nợ TK 811: Giá trị còn lại của tài sản cố định
Nợ TK 214: Giá trị khấu hao luỹ kế
Có TK 211: Nguyên giá Tài sản cố định
Lưu ý: Thông thường, giá bán thanh lý tài sản cố định sẽ được ghi nhận cao hơn hoặc bằng giá trị còn lại của TSCĐ
Nếu trong quá trình thanh lý tài sản cố định, có phát sinh các chi phí liên quan đến việc thanh lý TSCĐ, kế toán sẽ tiến hành ghi nhận:
Nợ TK 811: chi phí thanh lý tài sản cố định
Nợ TK 1331: thuế GTGT 
Có TK 111,112,331

Ví dụ về thanh lý tài sản cố định

Doanh nghiệp ABC có mua 1 xe ô tô với nguyên giá là 600tr đồng, giá trị đã khấu hao lũy kế đến thời điểm thanh lý là 240tr đồng. Doanh nghiệp tiến hành thanh lý tài sản cố định với giá 400tr đồng, chua thu tiền. Để bán được TSCĐ này, doanh nghiệp đã quảng cáo trên báo Tuổi Trẻ, với chi phí quảng cáo là 5tr đồng (chưa bao gồm 10% thuế GTGT). Khi đó, kế toán sẽ hạch toán thanh lý TSCĐ như sau:
Ghi nhận thu nhập khác việc xuất bán thanh lý TSCĐ
Nợ 131: 440.000.000đ
Có 711: 400.000.000đ
Có 3331: 40.000.000đ
Ghi giảm TSCĐ, kế toán hạch toán như sau:
Nợ 811: 360.000.000đ
Nợ 214: 240.000.000đ
Có 211: 600.000.000đ
Kế toán ghi nhận chi phí liên quan đến việc thanh lý TSCĐ
Nợ 811: 5.000.000 đồng
Nợ 1331: 500.000 đồng
Có 1121: 5.500.000 đồng
Trên đây là toàn bộ trình tự thanh lý tài sản cố định cùng các mẫu biểu thanh lý tài sản cố định cần thiết để bộ hồ sơ thuế về TSCĐ của công ty bạn vững chắc hơn. Nếu còn thắc mắc về thủ tục thanh lý TSCĐ, hãy liên hệ ngay với Song Kim để được tư vấn!
Trân trọng kính chào!
Zalo
X