Những điều cần biết trước khi thành lập công ty

Menu

Các điều cần biết trước khi thành lập công ty

16:56:42 11-05-2018 | Lượt xem: 2786

Các điều cần biết trước khi thành lập công ty

Khởi nghiệp – thực hiện các ý tưởng kinh doanh của riêng mình đang là điều được cả xã hội, các cấp chính quyền ủng hộ và tạo điều kiện phát triển. Nhưng khi khởi nghiệp, sẽ có vô vàn các khó khăn, thách thức đang chờ đón trên con đường kinh doanh của riêng bạn. Theo khảo sát của Song Kim, thì mảng kế toán thuế là mắt xích yếu nhất trong các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì đa số, các doanh nghiệp đều lo tập trung kinh doanh, phát triển ý tưởng, tìm kiếm khách hàng,…nên khâu kế toán thuế ít được chú trọng là điều dễ hiểu. Hôm nay, Song Kim xin gởi đến các bạn các điều cần biết trước khi thành lập công ty nhằm san sẻ phần nào những khó khăn trên con đường khởi nghiệp của bạn.

Các yếu tố cần xác định rõ trước khi thành lập công ty

♦ Xác định số thành viên/cổ đông
Số thành viên/cổ đông công ty sẽ phụ thuộc vào việc bạn kinh doanh một mình hoặc có góp vốn (hùn hạp) với người khác. Và số thành viên sẽ ảnh hưởng đến loại hình công ty khi thành lập.
♦ Loại hình công ty
Hiện nay, có 3 loại hình công ty được đăng kí phổ biến nhất hiện nay là: công ty TNHH Một Thành Viên (TNHH MTV), công ty TNHH Hai Thành Viên, công ty Cổ Phần. Ngoài ra, còn có các loại hình doanh nghiệp khác như: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, hợp tác xã,…
♦ Tên doanh nghiệp
Theo điểm 1b, khoản 1, điều 38 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 thì tên dự kiến của doanh nghiệp là
“Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu”
Lưu ý:
  • Từ năm 2015, tên công ty bằng tiếng Anh đã được chấp nhận.
  • Ví dụ: công ty TNHH Natural Shop, Công ty Cổ phần The Galaxy
  • Từ năm 2015, dữ liệu tên doanh nghiệp đã được đồng bộ toàn quốc.
  • Ví dụ: bạn định đặt tên công ty là Công ty TNHH Minh Quân nhưng tại Cà Mau, đã có doanh nghiệp tên này, thì nếu bạn định mở công ty tại Tp.HCM với tên Công ty TNHH Minh Quân sẽ không được chấp nhận. Lúc này, bạn phải thêm tiền tố hoặc hậu tố vào tên công ty thì mới được chấp nhận. Ví dụ: công ty TNHH Thương mại Minh Quân hoặc công ty TNHH Minh Quân Sài Gòn,…
tư vấn thành lập công ty miễn phí
Kinh nghiệm thực tế:
  • Nên:
  • Đặt tên công ty càng ngắn càng tốt, tiếng Việt hoặc tiếng Anh đều được. Miễn là tên dự kiến của công ty bạn gắn với việc bạn đang kinh doanh, hoặc nhận diện cho sản phẩm, dịch vụ mà bạn sẽ phát triển trong tương lai.
  • Đặt tên công ty nên có tính bao quát, liên quan đến những ngành nghề kinh doanh hiện tại của công ty định thành lập và cả các ngành có thể phát triển trong quá trình kinh doanh sau này của công ty.
  • Ví dụ: bạn định thành lập công ty để kinh doanh các mặt hàng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ thiên nhiên và bạn định đặt tên công ty là Công ty TNHH Natural Shop. Nhưng khi bạn mua bán các mặt hàng này và có cơ hội đầu tư, sản xuất trực tiếp các sản phẩm này thì tên công ty lúc đầu sẽ bó buộc ngành nghề, không nói lên quy mô của công ty bạn. Vì vậy, thay vì đặt tên công ty là Natural Shop, từ lúc đầu bạn đặt tên là công ty TNHH Natural Live
  • Không nên:
  • Đặt tên công ty quá dài, sẽ gây khó nhớ. Bên cạnh đó, việc thiết kế các ấn phẩm, tài liệu cho doanh nghiệp của bạn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn triển khai.
  • Đặt tên doanh nghiệp theo tên của những cổ đông sáng lập. Vì trong quá trình kinh doanh, việc hợp tác cùng nhau lâu dài hay “giữa đường đứt gánh” là điều chúng ta không thể lường trước được.
  • Đặt tên doanh nghiệp theo 1 sản phẩm mà bạn tâm đắc và định kinh doanh vì khi kinh doanh, nhu cầu của thị trường là điều chúng ta không dự đoán hết được và thay đổi liên tục. 
♦ Địa chỉ trụ sở chính
Theo điều 43, luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13, thì: “Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có)”
Nếu địa chỉ nơi bạn đặt trụ sở chính chưa có số nhà cụ thể thì địa chỉ trụ sở chính chính là địa chỉ được ghi trên sổ hồng, sổ đỏ nơi bạn đặt trụ sở.
  • Lưu ý: từ năm 2017, các căn hộ chung cư không được sử dụng làm nơi đặt trụ sở chính (trừ các căn hộ dạng officetel)
  • Kinh nghiệm thực tế: Đối với trường hợp đi thuê mặt bằng, văn phòng hoặc nhà ở riêng lẻ để đặt trụ sở chính, nên thỏa thuận kỹ với chủ nhà về thời gian thuê, giá thuê. Nếu có thể, cá nhân bạn nên ký 1 bảng ghi nhớ với chủ sở hữu bất động sản bạn định thuê. Tránh tình trạng phải thay đổi địa chỉ trụ sở chính sau khi đã có giấy phép kinh doanh vì người cho thuê đổi ý, không cho thuê nữa.
♦ Ngành nghề kinh doanh
Căn cứ vào điều 7, Luật Doanh Nghiệp Số 68/2014/QH13 “Doanh nghiệp được tư do kinh doanh các ngành, nghề mà luật không cấm”. Tải ngay bảng mã ngành kinh doanh để xem các ngành nghề nào phù hợp với hoạt động kinh doanh của công ty bạn.
Các điều cần biết trước khi thành lập công ty
♦ Vốn điều lệ
Là tổng tài sản, tiền mà các thành viên/cổ đông, chủ sở hữu góp vốn hoặc cam kết góp vốn trong vòng 90 ngày bằng tiền gởi ngân hàng.
Vốn điều lệ doanh nghiệp là do doanh nghiệp tự đăng kí và không cần chứng minh.
Việc tăng/giảm vốn điều lệ hiện tại rất đơn giản, tùy thuộc vào tình hình của doanh nghiệp và thủ tục rất đơn giản. Và số vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến mức thuế môn bài phải nộp hàng năm của doanh nghiệp.
  • Kinh nghiệm thực tế: Nếu mới khởi sự kinh doanh, bạn không nên đăng kí vốn điều lệ quá nhiều vì sẽ mang tới rủi ro cho doanh nghiệp. Vì bạn phải chịu trách nhiệm hữu hạn trên số vốn điều lệ đã đăng kí.
♦ Người đại diện pháp luật
Theo điều 13 và 14, Luật Doanh Nghiệp số 68/2014/QH13, có thể hiểu là: người đại diện pháp luật của công ty với chức danh Giám Đốc/Tổng giám đốc/Chủ tịch hội đồng thành viên/Chủ tịch hội đồng quản trị,…là cá nhân trực tiếp điều hành mọi hoạt động của công ty. Là người sẽ đứng ra ký kết các hợp đồng, thủ tục, giấy tờ với các cơ quan hữu quan khi có phát sinh.
Và đồng thời, người đại diện pháp luật là người chịu trách nhiệm chính khi xảy ra các vấn đề dẫn đến việc công ty vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm các quy định của pháp luật.
Trên đây là các điều cần thiết trước khi thực hiện thủ tục thành lập công ty, mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề này, mời các bạn gởi email đến địa chỉ: info@ketoansongkim.vn để được tư vấn rõ hơn.
Zalo
X