Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên

Menu

Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên có phải là chi phí được trừ

17:11:33 14-02-2019 | Lượt xem: 19856

Hỏi: Công ty tôi có mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên. Và tôi không mua bảo hiểm xã hội cho nhân viên công ty là có đúng luật hay không? Và chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên có được tính là chi phí hợp lệ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp hay không?
(Thủy Nguyễn – Quận 3, Tp.HCM)
Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên có phải là chi phí được trừ

Trả lời: Lời đầu tiên, Song Kim cảm ơn bạn đã gởi câu hỏi đến bộ phận tư vấn của chúng tôi. Với nội dung câu hỏi của bạn, do chưa có đầy đủ thông tin về thời hạn của hợp đồng lao động mà công ty bạn ký kết với nhân viên nên Song Kim sẽ mặc định là hợp đồng lao động bạn đề cập là hợp đồng lao động chính thức (trên 03 tháng). Với câu hỏi của bạn, sẽ có 3 vấn đề cần phải giải quyết đó là:

Mua bảo hiểm nhân thọ thì có cần mua bảo hiểm xã hội hay không?

Căn cứ vào tiết a, khoản 1, điều 2 Luật Bảo Hiểm Xã Hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014, thì:
  • “Điều 2. Đối tượng áp dụng
  • 1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
  • a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”
Kết luận: công ty bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm xã hội cho người lao động mặc dù công ty bạn đã mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên công ty.

Bên cạnh đó, công ty bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên công ty mặc dù đã mua bảo hiểm nhân thọ

Căn cứ vào khoản 6, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo Hiểm Y Tế số: 46/2014/QH13, ban hành ngày 13 tháng 06 năm 2014, thì:
  • “6. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
  • Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
  • 1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
  • a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);”
Kết luận: ngoài việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên công ty, công ty bạn còn phải có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế cho nhân viên để tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên có phải là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không?

Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên có phải là chi phí được trừ
Căn cứ vào khoản 3, điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC ban hành ngày 16 tháng 03 năm 2018, thì:
  • “2.11.Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
  • Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại điểm này còn phải được ghi cụ thể Điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
  • Doanh nghiệp không được tính vào chi phí đối với các Khoản chi cho Chương trình tự nguyện nêu trên nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).”
Kết luận: Nếu công ty mua bao hiểm nhân thọ cho nhân viên công ty thì vẫn được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, khi thỏa mãn các điều kiện sau:
  • Không được vượt quá 03 triệu đồng/người/tháng cho chi phí mua bảo hiểm nhân thọ
  • Phần chi mua bảo hiểm nhân thọ phải được quy định rõ trong:
    • Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể
    • Quy chế tài chính của công ty
  • Phải đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm bắt buộc như: BHXH, BHYT cho người lao động.
Như vậy, có thể kết luận rằng, chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên công ty chỉ được chấp nhận là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN khi công ty đóng đầy đủ BHXH, BHYT. Và phần chi đóng bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên không được vượt quá 03tr đồng/người/tháng.
Trên đây là tất cả các cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề đóng bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên công ty. Dịch vụ thành lập doanh nghiệp Song Kim hy vọng đã giải đáp được tất cả các thắc mắc của chị liên quan đến vấn đề này.
Trân trọng kính chào!
Zalo
X