Nên thành lập công ty TNHH 1 thành viên hay 2 thành viên là thắc mắc của rất nhiều cá nhân lần đầu thành lập công ty. Đầu tiên, việc thành lập công ty TNHH loại hình nào là dựa vào số lượng thành viên hiện hữu góp vốn vào công ty. Bên cạnh đó, các ảnh hưởng của chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ việc góp vốn cũng ảnh hưởng đến quyết định thành lập công ty của loại hình nào. Hôm nay,
Song Kim mời các bạn cùng chúng tôi tham khảo bài viết phân tích chi tiết về sự giống và khác nhau của 2 loại hình này.
Dựa vào số lượng thành viên để lựa chọn thành lập TNHH 1 thành viên hay 2 thành viên
Số lượng thành viên góp vốn của loại hình công ty TNHH 2 thành viên
Căn cứ vào khoản 1, điều 46 Luật Doanh Nghiệp 2020, có quy định:
"Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.”
Kết luận: nếu bạn
có từ 2 đến 50 thành viên góp vốn để thành lập công ty, thì bạn sẽ thành lập doanh nghiệp loại hình công ty TNHH 2 thành viên.
Số lượng thành viên góp vốn của loại hình công ty TNHH 1 thành viên
Căn cứ vào khoản 1, điều 74 Luật Doanh Nghiệp 2020, có quy định:
"Điều 74. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.”
Kết luận: nếu chỉ có duy nhất 1 thành viên làm chủ, thì bạn bắt buộc phải thành lập công ty TNHH MTV
Nhưng số lượng thành viên góp vốn là yêu cầu cơ bản về số lượng thành viên góp vốn để thành lập công ty. Số lượng thành viên đứng trên giấy tờ thường sẽ linh động để sắp xếp được. Vậy, hãy cùng dịch vụ thành lập doanh nghiệp Song Kim tiếp tục tìm hiểu, ưu nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên hay 2 thành viên, về phương diện THUẾ. Từ đó, chúng ta có thể quyết định là nên thành lập công ty TNHH MTV hay 2TV, bạn nhé.
Nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên về mặt chi phí thuế
Căn cứ tiết d, điểm 2.5, khoản 2, điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC, về các khoản chi được trừ (chi phí hợp lý) và các khoản chi không được trừ (chi phí không hợp lý), khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN
“d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.”
Kết luận: khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên, nếu chủ sở hữu đồng thời là người đại diện pháp luật, điều hành trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thì chi phí lương và các khoản trợ cấp liên quan đến người đại diện sẽ KHÔNG ĐƯỢC TÍNH là CHI PHÍ HỢP LÝ (chi phí được trừ của doanh nghiệp). Việc lương và các khoản phụ cấp không được tính, sẽ góp phần làm tăng thuế TNDN phải đóng nếu công ty có lợi nhuận. Vì:
- Thuế TNDN phải đóng = 20% x lợi nhuận
- Mà Lợi nhuận = Doanh thu – tổng chi phí được trừ
Ngược lại, khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, nếu các thành viên góp có tham gia điều hành trực tiếp công ty. Thì chi phí lương và các khoản phụ cấp liên quan, sẽ được tính là chi phí hợp lý của công ty, khi tính thuế TNDN.
Ưu điểm về thuế TNCN khi mở công ty TNHH 1 thành viên
Căn cứ vào khoản 4, điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 1 số điều của luật quản lý thuế, có quy định.
“Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 3 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế như sau:
...
4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:
a) Tiền lãi cho vay;
b) Lợi tức cổ phần;
c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất, phát minh, sáng chế; trừ thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu Chính phủ, thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân và của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ.”
Kết luận: phần lợi nhuận nhận được từ hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi nộp thuế TNDN, chủ sở hữu công ty TNHH MTV sẽ không phải đóng 5% thuế TNCN từ hoạt động góp vốn
Ngược lại, khi thành viên góp vốn của công ty TNHH 2 thành viên trở lên, nhận phần lợi nhuận sau khi đã nộp thuế TNDN, thì vẫn phải đóng thuế TNCN từ hoạt động góp vốn là: 5% x lợi nhuận được chia.
Trên đây là bài viết phân tích chi tiết về việc nên thành lập công ty TNHH 1 thành viên hay công ty TNHH 2 thành viên.
Dịch vụ mở công ty Song Kim hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp.